Đó là cách nói hình ảnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi đề cập đến phong trào thi đua của hội viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm tại Lễ phát động Chương trình tuyên truyền vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng diễn ra ngày hôm nay, 26/5 tại Hà Nội.
Lễ phát động do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức. Tham dự lễ phát động còn có đồng chí Thào Xuân Sùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành đoàn thể T.Ư và địa phương.
Nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho toàn dân
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao việc Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ NNPTNT và Hội NDVN tổ chức lễ phát động chương trình tuyên truyền về an toàn thực phẩm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, trong những năm qua, việc phối hợp thực hiện chương trình tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn giữa Chính phủ với các bộ ngành, UBND các cấp với các tổ chức đoàn thể đã đạt được những kết quả tích cực. Chính phủ luôn coi trọng và trông đợi vào sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho toàn dân.
|
Trong khuôn khổ Lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
cùng Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà
thăm gian hàng trưng bày các nông sản khác nhau do chính các hội viên trồng trọt và sản xuất |
“Đảm bảo an toàn thực phẩm là công việc đòi hỏi sự kiên trì và lâu dài, không chỉ nhằm mục đích nâng cao năng lực quản lý Nhà nước mà quan trọng là làm thay đổi nhận thức, thói quen trong cộng đồng xã hội.
Công tác truyền thông phải thực hiện làm sao để mỗi người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc và đầy đủ về việc thực phẩm không an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, giống nòi. Nếu cá nhân, doanh nghiệp cố tình sản xuất thực phẩm bẩn là gián tiếp hoặc trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe người khác”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho rằng, muốn đảm bảo an toàn thực phẩm thì trách nhiệm đạo đức là quan trọng nhất. Mỗi cá nhân, đơn vị sản xuất, doanh nghiệp không thể nào vì lợi ích của mình mà bất chấp tất cả để sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, mang lại lợi ích cho mình nhưng làm hại người khác.
“Hiện nay chúng ta có nhiều phong trào thi đua, chấm điểm từ cơ sở như làng văn hóa, gia đình văn hóa, nông thôn mới hay thi đua thành tích của các hội, đoàn thể. Nhất định đảm bảo an toàn thực phẩm phải là tiêu chí thi đua hàng đầu, không thể có tình trạng gia đình văn hóa mà lại đi làm thực phẩm bẩn, trồng rau 2 luống, nuôi lợn 2 chuồng”, Phó Thủ tướng cho hay.
Chia sẻ với các hội viên nông dân và phụ nữ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gợi ý, ngoài trách nhiệm sản xuất, kinh doanh thực phẩm, mỗi hội viên cần tích cực giúp người tiêu dùng nhận diện, phân biệt thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn bằng cách truy xuất nguồn gốc rõ ràng; các thử nghiệm, chứng minh trong thực tế để người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng thực phẩm sạch.
Tích cực tuyên truyền nông dân, phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm
Phát biểu tại Lễ phát động, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định, an toàn nông sản thực phẩm là vấn đề hệ trọng rất lớn, liên quan trực tiếp đến sự no ấm, sức khỏe và nòi giống của nhân dân ta, liên quan đến văn hóa đạo đức kinh doanh và yêu cầu xuất khẩu với phương châm Việt Nam là người bạn chân thành và có trách nhiệm với các nước.
Là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, những năm qua, các cấp Hội NDVN đã tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức, văn hóa trong sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản, thực phẩm nông nghiệp an toàn. Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho hay, đến nay, đã có 40 tỉnh, thành Hội tổ chức cho hội viên ký cam kết sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Từ đó, có hàng vạn hộ gia đình nông dân, phụ nữ cam kết thực hiện 3 không: “Không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục”.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, Hội NDVN
và lãnh đạo các bộ, ngành chạm tay vào quả cầu phát động chương trình
tuyên truyền về an toàn thực phẩm |
Điểm đáng chú ý, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã hướng dẫn tổ chức thành lập được gần 100.000 tổ hợp tác, 1.029 hợp tác xã kiểu mới và xây dựng 8.165 dự án với số tiền gần 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân sản xuất rau hữu cơ, chè, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc gia cầm theo chuỗi giá trị; câu lạc bộ “Nông dân nói không với chất cấm trong chăn nuôi”… Những dự án này cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản thực phẩm an toàn.
Chủ tịch Thào Xuân Sùng cùng khẳng định, cùng với Hội NDVN, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong các khâu từ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đến tiêu dùng gia đình.
Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong cả nước đã phối hợp nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm. Đồng thời, tổ chức ký cam kết và xây mô hình phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm; đưa nội dung an toàn thực phẩm vào tiêu “3 sạch” của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”...
“Với tinh thần đó, thay mặt hai tổ chức Hội NDVN và Hội LHPN Việt Nam tôi kêu gọi các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân cả nước hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, cam kết chỉ sản xuất ra thực phẩm an toàn vì chất lượng cuộc sống và chất lượng nòi giống dân tộc”, Chủ tịch Thào Xuân Sùng bày tỏ.
Dịp này, Trung ương Hội LHPNViệt Nam cũng phát động cuộc thi “Ý tưởng truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm" diễn ra từ 26/5 đến 26/7/2018.
Cuộc thi nhằm tiếp nhận sản phẩm là các ý tưởng truyền thông thực hiện dưới dạng video clip, tranh ảnh, kịch bản có thể dàn dựng thành tác phẩm sân khấu, truyền thông về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết, tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Từ đó, giúp cho người dân phân biệt thực phẩm bẩn không an toàn bằng mã truy xuất, các thử nghiệm dựa trên bằng chứng thật; hướng dẫn người dân sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh chế biến thực phẩm sạch.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết, qua cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn tìm kiếm, khuyến khích, tôn vinh và tuyển chọn được những sáng kiến, những ý tưởng truyền thông tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tế; thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội, cộng đồng nhằm biến ý tưởng thành các sản phẩm cụ thể, tạo sức lan tỏa, từ đó nâng cao nhận thức và huy động sự chung tay của xã hội trong thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi...
|
Nguồn: Danviet.vn