Thứ Bảy, 16/11/2024
Phong trào nông dân phát triển kinh tế tại Na Rì

Tổng số hội viên nông dân của huyện Na Rì hiện có 7.003 người. Cùng với sự phát triển kinh tế chung của huyện, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện Na Rì đã có đã có những bước phát triển. Phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế được các cấp Hội Nông dân đẩy mạnh. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh; từng bước hình thành các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng.

Để đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế trong hội viên, Hội Nông dân huyện Na Rì đã tổ chức tuyên truyền kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng và thực hiện được nhiều mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Qua thực hiện cho thấy, các mô hình đều đạt kết quả tốt. Hiện nhiều mô hình đã và đang được nhân rộng trên địa bàn huyện như: Mô hình trồng cây ăn quả, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập trên một diện tích canh tác, mô hình trồng rau vụ đông, mô hình trồng và chế biến dong riềng, trồng cây rau bò khai, khoai môn, mô hình cải tiến kỹ thuật canh tác lúa, áp dụng phương pháp canh tác SRI, phân bón cân đối, canh tác trên đất dốc... góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, tạo sản phẩm hàng hóa.

Trong sản xuất nông lâm nghiệp của huyện, đến nay tổng diện tích gieo trồng hằng năm đạt 9.600ha, hệ số sử dụng đất nông nghiệp bình quân đạt 1,8 lần, tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt 32.000 tấn, bình quân lương thực đạt 805kg/người/năm. Diện tích một số loại cây trồng chính hàng năm như cây lúa đạt 3.900ha, năng suất đạt 48 tạ/ha; cây ngô 3.400ha, năng suất đạt 41 tạ/ha; cây dong riềng 500ha năng suất 700 tạ/ha, rau, đậu đỗ các loại, thuốc lá, sắn, khoai môn… diện tích tăng mạnh qua các năm. Các mô hình cải tiến kỹ thuật canh tác lúa, ngô, dong riềng; các mô hình khảo nghiệm, thử nghiệm các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao được qua tâm thực hiện và nhân ra diện rộng. Trong công tác chăn nuôi, thú y, tổng đàn trâu, bò ổn định 11.200 con; tổng đàn lợn, gia cầm, dê tăng mạnh; công tác tiêm phòng được quan tâm, tỷ lệ tiêm phòng hằng năm đều đạt trên 62% tổng đàn.

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất được Hội Nông dân huyện triển khai tới các chi hội. Kết quả xây dựng và sử dụng Quỹ hỗ trợ nông dân đã tăng dần hàng năm, đến nay đã đạt hơn 565 triệu đồng. Hiện nay, tổng dư nợ là hơn 4.195 triệu đồng/114 hộ vay/13 dự án. Hội Nông dân huyện hối hợp với Ngân hàng CSXH và ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện cho nông dân vay vốn, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Đến nay, Hội đang quản lý 72 tổ tiết kiệm vay vốn, với số vốn trên 72 tỷ đồng và gần 2.000 lượt hộ vay. Đồng thời Hội phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT ký thỏa thuận liên ngành về việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Theo đó, Hội đã thành lập được 16 tổ vay vốn tại các xã Dương Sơn, Hữu Thác, Lương Hạ với số tiền dư nợ 1.240 triệu đồng...

Bà Long Thị Thịnh- Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo do Hội Nông dân phát động, đến nay đã có 1.282 lượt hộ được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trung bình mỗi năm có 256 hộ chiếm 4% tổng số hội viên; 26 hộ được tặng bằng khen, 83 hộ được tặng giấy khen hàng năm; tạo việc làm cho hàng trăm hộ trên địa bàn, giúp 85 hộ thoát nghèo. Cũng từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh; hình thành các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhân rộng, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian tới, thực hiện kế hoạch “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn, Hội Nông dân huyện xây dựng và thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu như: Phấn đấu tỷ lệ hội viên/ hộ nông nghiệp đạt 80% trở lên, trên 85% cơ sở Hội đạt khá và vững mạnh; giảm tỷ lệ hộ hội viên nghèo 5%/năm; phấn đấu 100% chi hội có quỹ hội; có từ 25% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 10% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng trưởng 15% trở lên… Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua "Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", tích cực tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương./.

Nguyễn Nghĩa/Báo Bắc Kạn điện tử

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất