Thứ Năm, 19/12/2024
Phải quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở

 Quang cảnh hội nghị

Dự và chủ trì Hội nghị còn có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, trong hệ thống MTTQ Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thông qua thực hiện Nghị quyết, các cuộc vận động, các phong trào thi đua của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh địa phương trong công cuộc đổi mới đất nước. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo Quy định 217, 218 của Bộ Chính trị đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch vững mạnh.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế. Đó là việc triển khai phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận có việc, có nơi còn chồng chéo, mang tính hình thức. Một số nơi, các cuộc vận động, phong trào thi đua chưa tạo được sự chuyển biến tích cực, chưa chú trọng đánh giá kết quả thực hiện. Đồng thời, chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, thành phần dân cư, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Ở một số lĩnh vực, địa bàn, Mặt trận chưa làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Kết quả giám sát, phản biện, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân chưa đạt kết quả yêu cầu….

 
 Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị

Các đại biểu đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp trong giai đoạn mới để từ đó tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, tham gia phối hợp giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đồng thời đưa ra những đề xuất nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống MTTQ Việt Nam…

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch  Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong Nghị quyết 25 đã nêu cụ thể và còn nguyên tính thời sự trong giai đoạn hiện nay. Do đó, toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác dân vận, Mặt trận hơn ai hết, thấu hiểu và thấm nhuần sâu sắc những vấn đề đó để triển khai thật tốt trong thực tế cuộc sống.


 Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Ghi nhận những kết quả tích cực mà hệ thống MTTQ đã làm được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 25 thời gian qua, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, cái đích cuối cùng của dân vận chính là lòng tin, là củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, với hệ thống chính quyền. Do đó, thời gian tới, MTTQ cần tập trung nắm bắt thực tiễn đời sống, tâm tư, nguyện vọng nhân dân. Trong đó chú trọng đến việc tiếp dân, đối thoại với dân, tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Đánh giá cao mô hình các nhóm nòng cốt tại tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình đồng bào có đạo Ninh Bình…, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị tập trung thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở. “Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị vào cuộc để thành công, đặc biệt là tại cơ sở. Do đó phải quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Phải sâu sát để những vấn đề bức xúc được ngăn chặn, phải lắng nghe để giải thích, tạo cơ hội thuận lợi triển khai công việc. Muốn thế, phải nắm bắt tình hình nhân dân kịp thời, chính xác, đầy đủ và chủ động” – đồng chí Trương Thị Mai nói.

Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý cần phân tích đầy đủ những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại trong việc thực hiện Nghị quyết 25. Từ đó phải có sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc trực tiếp triển khai công tác dân vận và công tác tham mưu để đưa công tác dân vận bảo đảm các yêu cầu đặt ra. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội trong công tác dân vận, làm tốt hơn nữa công tác phản biện và giám sát xã hội, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới... Đây là yêu cầu cần quan tâm thực hiện nhằm tạo nên sự đồng thuận trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc /.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 24/7/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất