|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho công nhân, lao động kỹ thuật cao.
(Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Sáng 5/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ đối thoại với công nhân, lao động kỹ thuật cao của 7 địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Cùng dự buổi đối thoại có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch tổng Lịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường. Cùng dự còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương.
Công nhân kỹ thuật cao là một trong những động lực phát triển đất nước
Đây là năm thứ 4, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức diễn đàn người đứng đầu Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chính sách của công nhân, lao động với sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương, ngành và đất nước.
Buổi đối thoại còn là dịp truyền tải Thông điệp của Đảng và Chính phủ gửi tới người lao động cả nước nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Tháng Công nhân - Tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động.
Với chủ đề “Công nhân kỹ thuật cao là một trong những động lực phát triển đất nước” - Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành, địa phương cùng 1.000 công nhân, lao động, trong đó có 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao trao đổi 5 nhóm vấn đề chính được đề cập trực tiếp tại diễn đàn và ý kiến của đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “Phát triển đất nước không chỉ dựa vào vốn, lao dộng giá rẻ mà còn phải dựa vào năng suất lao động," Thủ tướng khẳng định và gợi ý các đại biểu tại buổi gặp mặt phát biểu ý kiến, chia sẻ về điều kiện sống, làm việc, môi trường học tập cũng như những tâm tư nguyện vọng với Đảng, Nhà nước.
Đào tạo theo nhu cầu của thị trường
Đại diện cho khối công nhân, người lao động tay nghề cao đóng góp những ý kiến đầu tiên tại buổi đối thoại, anh Đinh Đăng Đoàn - Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú - Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề cập đến bất cập trong chính sách thuế quan đối với việc nhập khẩu thiết bị công nghệ cao hiện nay tốn nhiều thời gian, mức thuế cao gây tốn kém chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Anh Đoàn mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước cần có tư duy cởi mở, thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, anh Đoàn cũng cho rằng công tác đào tạo nghề hiện chưa theo kịp xu hướng phát triển công nghệ. Có những ngành nghề kỹ thuật cao hiện chưa được đào tạo tại Việt Nam. Việc này dẫn đến tình trạng người lao động tại Việt Nam không được đào tạo bài bản như tại các nước phát triển.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Quang, Xí nghiệp Địa vật lý Giếng khoan, Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng mặt bằng công tác đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động cạnh tranh. Anh Quang đề nghi cần tăng cường gắn kết cơ sở đào tạo nghề với đơn vị sử dụng lao động để công tác giảng dạy, học tập đi đôi với thực hành trên thực tế.
Được Thủ tướng đề nghị đối thoại với công nhân tại về các nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Đào tạo nghề gắn kết giữa lý thuyết và thực hành là chủ trương quan trọng, là bước đổi mới căn bản trong chính sách nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp hiện nay.
Thời gian qua Bộ cũng đã chủ trương thực hiện đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động, tâp trung vào chương trình đào tạo trung hạn, dài hạn và các ngành nghề, lĩnh vực mà xã hội đang có nhu cầu chứ không phải những lĩnh vực mà nhà trường đang có.
Đổi mới đào tạo giáo dục nghề nghiệp, Bộ cũng tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia đào tạo ngay từ đầu, tham gia xây dựng giáo trình; cung cấp thiết bị máy móc.
Đặc biệt, Bộ cũng đẩy mạnh việc thực hiện “giảm lý thuyết, tăng thực hành”; thiết kế chương trình đào tạo với tỷ lệ 60% thực hành, 40% lý thuyết.
Bộ trưởng cũng cho biết, sắp tới đây, Bộ luật Lao động sẽ có quy định bắt buộc doanh nghiệp để công nhân có nhu cầu đi học được tham gia đi học. Chính phủ đã tập trung xây dựng các quy định năng lực học, chuẩn đầu ra của 160 ngành nghề, lĩnh vực.
Trên cơ sở đó không nhất thiết phải học trong nhà trường, có thể học từ xa, người công nhân có thể lựa chọn ngành nghề, hình thức học tập phù hợp.
Tham gia ý kiến về chủ đề này, Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh đến phương thức đào tạo gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào đào tạo như huy động giảng viên là những kỹ sư có tay nghề, thâm niên công tác.
Bộ cũng chủ trương mở rộng các hình thức đào tạo liên thông giữa trung cấp, cao đẳng và Đại học. Cùng với đó, Bộ cũng chú ý đến việc tăng cường nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp cho đối tượng công nhân, người lao động, nhất là đào tạo ngoại ngữ chuyên sâu kỹ thuật; đa dạng hình thức đào tạo từ xa, kỹ năng nhóm.
Doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân
Đại diện cho khối sử dụng lao động, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cồ phần Cơ điện lạnh REE cho rằng: “Doanh nghiệp đến các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để tuyển người nhưng những người được tuyển dụng chưa bắt tay vào làm việc được ngay và rất ngỡ ngàng trước thực tế công việc được yêu cầu. Những người giỏi cần 1 năm, những người kém hơn cần 2 năm để đào tạo lại thì mới bắt tay vào làm việc được.”
Theo bà Thanh, người Việt Nam thường chuộng bằng cấp, thích con em có bằng đại học.
Trong khi đó, người Đức có quan điểm rõ ràng là cần kỹ sư, công nhân, nên trong chương trình đào tạo hướng nghiệp đã định hướng ai làm kỹ sư, ai làm công nhân và ở Đức lương công nhân kỹ thuật cao cao hơn lương kỹ sư. Do đó, đào tạo phải có hướng nghiệp rõ ràng cho học sinh, sinh viên trong tương lai.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những kiến nghị của công nhân, người lao động tay nghề cao tại buổi đối thoại có ý nghĩa thiết thực trong việc hình thành chính sách đối với giai cấp công nhân nói chung và tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung.
Thủ tướng khẳng định, lực lượng công nhân lao động có trình độ kỹ thuật chính là tài sản, tài nguyên, vốn quý của quốc gia bởi đây là nguồn động lực phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là trong 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trong tổng số hơn 53 triệu lao động thì chưa đầy 19% công nhân có trình độ kỹ thuật cao, còn lại là lao động phổ thông. Đó là vấn đề mà các bộ, ngành cần phải nhìn nhận và có chính sách cụ thể để thay đổi, vì chúng ta không đi theo con đường lao động giá rẻ nữa.
“Lênin nói 'Năng suất lao động quyết định tất cả,' trong khi chúng ta có dân số vàng, nếu có lực lượng lao động trình độ cao nữa, chúng ta sẽ thành công,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Công nhân tay nghề cao là cơ hội cho sự phát triển cạnh tranh khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Đây cũng là lực lượng quan trọng của nước nhà bởi người lao động kỹ thuật cao có hiệu suất lao động cao, có khả năng tiếp thu kỹ thuật mới nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kỹ thuật số. Từ đó có thể nâng cao thu nhập.
Từ nhận định đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần nhận thức đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, các yếu tố cần và đủ trong hình thành, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ lao động kỹ thuật cao. Bởi, Việt Nam là nền kinh tế còn có nhiều doanh nghiệp năng suất và sức cạnh tranh còn thấp do thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ công nhân kỹ thuật cao cả về số lượng và chất lượng.
Không thể đi theo con đường lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn mà phải tăng cường ứng dụng, đổi mới khoa học và công nghệ - yếu tố quyết định trong phát triển đất nước, Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá đưa nước ta phát triển nhanh theo Nghị quyết của Trung ương, Thủ tướng đề cập đến mục tiêu, quan tâm xây dựng thế hệ công nhân trẻ có học vấn, chuyên môn kỹ năng nghiệp vụ cao ngang tầm khu vực và quốc tế có lập trường giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng làm nòng cốt của giai cấp công nhân Việt Nam và trình độ tay nghề vững vàng.
“Tất cả chúng tay đều phải góp tay lại để làm công việc quan trọng này,” Thủ tướng nói và khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt vấn đề lương, thu nhập, đảm bảo nhu cầu tối thiểu của công nhân như môi trường làm việc, nơi ăn nghỉ, chỗ học tập vui chơi cho con em công nhân, các thiết chế văn hóa công đoàn.
Chia sẻ với đội ngũ công nhân lao động kỹ thuật cao của đất nước, Thủ tướng đề nghị công nhân Việt Nam phải tự học, tự rèn, học nữa, học mãi, học suốt đời”; phấn đấu quyết liệt để có “nghệ tinh và thân vinh,” Thủ tướng mong muốn và đề nghị công nhân, người lao động cần có khát vọng, hoài bão; thay đổi cuộc sống; vượt qua những thói quen lãng phí thời gian, tránh xa tệ nạn xã hội, dành thời gian cho đọc sách, trau dồi kỹ năng.
“Mỗi công nhân cần đặt ra cho mình kế hoạch phấn đấu,” Thủ tướng mong muốn và nhấn mạnh, công nhân kỹ thuật cao cần tự đào tạo, nâng cao tay nghề, luôn luôn sẵn sàng cho sự thay đổi về công nghệ; khắc phục khó khăn vươn lên không ngừng - đó cũng là phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng căn dặn công nhân, người lao động cần không ngừng nâng cao cảnh giác, không để bị dụ dỗ, lôi kéo vào những việc làm sai trái, gây mất trật tự xã hội; giữ vững lập trường giai cấp, thể hiện trách nhiệm công dân với xã hội.
Thủ tướng cũng căn dặn Công đoàn các cấp không chỉ nắm tâm tư, nguyện vọng mà còn cần phải quan tâm đến hoàn cảnh gia đình, hậu phương của người công nhân. Công đoàn phải trở thành gia đình thứ 2 của công nhân. Đi liền với đó là đổi mới cách thức hoạt động của các cấp công đoàn; chăm lo nâng cao thu nhập cho người lao động, chuyển đổi nghề nghiệp cho công
Tại buổi đối thoại, có 23 công nhân đại diện cho 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao tiêu biểu đã nhận được bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngoài ra, 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao cũng được nhận phần quà tặng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc./.
Nguồn: TTXVN/ Quang Vũ