Thứ Năm, 19/12/2024
Bộ Y tế triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn. Các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tổ chức tốt việc thu dung điều trị người bệnh, phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở điều trị... Ðối với công tác tiêm chủng, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức cho các bác sĩ, cán bộ tiêm chủng về khám sàng lọc trước tiêm, hướng dẫn theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm.

Bộ Y tế khuyến cáo đối với người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền các cấp, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình với mục tiêu “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết”. Mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Để phòng chống bệnh tay chân miệng cần:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Tiêm chủng phòng bệnh và an toàn tiêm chủng:

Các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng. Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm.

Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1- 2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần; bú mẹ; ăn; ngủ; thở; nhiệt độ; phát ban; phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Khi trẻ có biểu biện bất thường về sức khỏe như: sốt cao từ 39 độ trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú... phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng hãy đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn.

Ngọc Mai
 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất