Thứ Sáu, 24/1/2025
Ấm áp hành trình "Tiếp sức người bệnh"

“Nhờ có các cô, chú ấy mà vợ chồng em đỡ vất vả khi đưa con đi khám bệnh”

Đưa con từ Quảng Bình tới Bệnh viện Nhi Trung ương để khám, anh Nguyễn Văn Hà rất bỡ ngỡ vì lần đầu tiên đặt chân tới bệnh viện. “Toát mồ hôi” khi thấy cảnh dọc các khu hành lang, chật kín người đứng, người ngồi chờ tới lượt khám, không biết hết vị trí các khoa, phòng cũng như quy trình khám chữa bệnh của Bệnh viện. Đang “bí”, nhìn thấy bạn sinh viên tình nguyện đeo biển hướng dẫn người bệnh đang ở cách đó không xa, anh Hà liền vội vàng chạy đến hỏi thông tin về việc con anh nên bắt đầu đến bộ phận nào để làm thủ tục khám bệnh…


 Thành viên tổ hỗ trợ người bệnh đang hướng dẫn người bệnh về thủ tục khám chữa bệnh tại BV Việt Đức
 

Những băn khoăn của anh Hà đã được giái đáp và hướng dẫn cụ thể: “Anh phải tới khu trung tâm của Khoa Khám bệnh, nơi có bảng chỉ dẫn từng bộ phận cụ thể như mua sổ khám bệnh, nộp tiền lấy phiếu khám  rồi đến phòng/bán khám theo số đề trên phiếu khám để chờ  khám...”. Chỉ một hành động chỉ dẫn nhỏ đó thôi, nhưng nhìn trong ánh mắt của anh Hà có phần cảm kích. “Nhờ được hướng dẫn đến các nơi làm thủ tục của các cô/chú ấy mà gia đình em đỡ vất vả hẳn và trong buổi sáng đã khám xong cho con. Trước khi quyết đinh đưa con ra Hà Nội khám, thấy nhiều người bảo đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám rất khổ sở vì chen chúc, chật chội và thái độ của các y bác sĩ cư xử không tốt, hay vòi vĩnh bệnh nhân. Nhưng hôm nay đến khám thì tôi không nghĩ vậy, chắc là cách hoạt động của bệnh viện đã thay đổi nhiều và tốt hơn rồi”- anh Hà vui vẻ nói.

Bác Hường (42 tuổi, quê ở Bắc Giang) đang ngồi chờ khám tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Việt Đức vui vẻ kể chuyện với phóng viên, hai mẹ con tôi từ quê lên đây rất sớm để mong được khám sớm. Lần đầu tiên đến Bệnh viện to và đông người thế này, cả hai mẹ con “chả biết đâu mà lần”, lại tay xách nách mang, may quá chúng tôi đã được các cháu ở bộ phận hỗ trợ người bệnh của bệnh viện hướng dẫn tận tình từ việc lấy số khám, đến phòng khám nào đúng với số khám… “Do tôi mệt và đau lưng nên đi lại khó khăn. Thấy thế, một cháu gái đã nhanh chóng hỗ trợ tôi để đến chỗ ngồi chờ khám. Cứ tưởng đi khám ở bệnh viện lớn thì người bệnh vất vả lắm, ai ngờ chúng tôi cũng được các cháu giúp đỡ nhiều”- bác Hường vui vẻ nói.

Có thêm chúng em hướng dẫn, người bệnh giảm thời gian tìm kiếm khoa/phòng để khám

Sáng đầu tuần, Khoa Khám bệnh và Khoa khám bệnh theo yêu cầu  của Bệnh viện Bạch Mai chật kín người, hành lang và các lối đi như hẹp lại... Đó cũng là lúc không chỉ thầy thuốc, nhân viên y tế mà các bạn tình nguyện viên cũng đã phải phải tất bật với công việc của mình. Bạn Đỗ Hương Giang, sinh viên năm thứ 2, Học viện Quản lý Giáo dục tham gia Đề án tiếp sức người bệnh tại Khoa khám bệnh từ những ngày đầu chia sẻ: “Chị biết đấy, các Bệnh viện luôn quá tải, đặc biệt là Bệnh viện Bạch Mai. Đến nơi thấy đông đúc, lại thêm lo lắng, mệt mỏi về bệnh tật. Nhiều người ở quê đến bệnh viện lần đầu, rất khó khăn, bỡ ngỡ không biết đi đâu, đến đâu, không biết tra bảng chỉ dẫn…  Có mình hướng dẫn cụ thể họ sẽ yên tâm hơn, giảm bớt thời gian tìm kiếm, chờ đợi và cả nguy cơ mất trộm cắp ”...

Lê Thị Thanh Hải, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông tham gia Đội sinh viên tình nguyện tại Bệnh viện Xanh-pôn cho biết: Tham gia chương trình này sẽ giúp ích cho em rất nhiều trong việc học tập, có thêm kinh nghiệm và những trải nghiệm cuộc sống trong bệnh viện để sau này ra trường, chúng em vững vàng hơn khi làm việc trong các bệnh viện. Thứ 2 là em cũng từng đi khám bệnh, em thấy số lượng nhân viên y tế không đủ để đáp ứng yêu cầu của người bệnh, vì vậy cả 2 bên đều cảm thấy rất áp lực, người bệnh phải chờ đợi lâu. Khi chúng em làm sinh viên tình nguyện, tiếp sức cho người bệnh thì sẽ không chỉ giúp cho bệnh viện mà còn giúp những người bệnh không phải chờ đợi lâu và họ cảm thấy thỏa mái và yên tâm hơn.

Chia sẻ khó khăn với bệnh nhân và áp lực với thầy thuốc

Triển khai Đề án “Tiếp sức người bệnh” do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức, đồng thời thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế, hướng đến sự hài lòng của người bệnh” của ngành y tế, trong thời gian qua nhiều bệnh viện  trên cả nước từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh, huyện đã triển khai mô hình “tiếp sức người bệnh” theo nhiều hình thức và tên gọi khác nhau như “tổ hỗ trợ người bệnh” của Bệnh viện Việt Đức, tổ “chăm sóc khách hàng” và đội "tiếp sức người bệnh" của Bệnh viện Nhi Trung ương; Tổ “ Hướng dẫn người bệnh” và Đội thanh niên tình nguyện “Tiếp sức người bệnh” của Bệnh viện Phụ sản Trung ương hay “Đội tiếp sức người bệnh” của Bệnh viện Bạch Mai…

Trên thực tế, tùy thuộc vào tình hình thực tế trong khám chữa bệnh cũng như cơ cấu tổ chức của từng bệnh viện mà mỗi bệnh viện “đặt” bộ phận “tiếp sức người bệnh” vào các phòng khác nhau. Có bệnh viện bộ phận này thuộc Phòng Công tác xã hội, có bệnh viện thì bộ phận này lại ở Phòng truyền thông và chăm sóc khách hàng…

BSCK II. Phạm Thị Bích Mận, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Đội tiếp sức người bệnh tại Bệnh viện Bạch hiện nay đã có gần 200 tình nguyện viên, mỗi ngày trung bình có khoảng 20-30 bạn luân phiên hoạt động. tình nguyện viên không chỉ giúp cho bệnh nhân và người nhà được hỗ trợ, chỉ dẫn mà còn góp phần chia sẻ bớt áp lực cho đội ngũ y thầy thuốc và nhân viên y tế trong điều kiện làm việc còn luôn quá tải. Vì vậy nếu Đề án được duy trì một cách bền vững thì sẽ đem lại hiệu quả không nhỏ cho các bệnh viện nói riêng và cho xã hội nói chung.

Được biết, qua 10 tháng triển khai, chương trình đã thu hút được trên 700 tình nguyện viên với số buổi tình nguyện ước đạt trên 3000 buổi. Đó là các sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội như Đại học Bách Khoa, Dược, Xây dựng, Kiến trúc, Quản lý giáo dục, Cao đẳng y tế Bạch Mai mà nòng cốt là sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân.

TS Đỗ Mạnh Hùng- Trưởng phòng truyền thông và chăm sóc khách hàng - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Bệnh viện đã và đang phối hợp cùng với Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội trong việc phối hợp hỗ trợ người bệnh trong quá trình đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Hiện tại, Đoàn Thanh niên cùng Câu Lạc bộ Thầy thuốc trẻ đang phối hợp với Phòng Truyền thông và Chăm sóc khách hàng triển khai, duy trì mô hình “Hà Nội nghĩa tình” (Tiếp sức người bệnh) từ 26/3/2014 đến nay với trên 4.000 lượt Thanh niên tình nguyện tham gia. 

Các cán bộ của bệnh viện thuộc tổ này cũng như các sinh viên tinh nguyện tham gia đều tập trung tiếp đón và hướng dẫn gia đình bệnh nhi về quy trình, thủ tục khám bệnh cho 700 gia đình bệnh nhi tại 2 vị trí của khoa khám bệnh. Hỗ trợ trả kết quả X-Quang khu vực B-C. Hẹn giờ, hướng dẫn gia đình bệnh nhi thời gian và địa điểm lấy kết quả xét nghiệm. Hỗ trợ tìm kết quả xét nghiệm cho gia đình bệnh nhi. Hỗ trợ và hướng dẫn gia đình bệnh nhi thuộc khu vực B-C đi làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh,… Giải đáp những thắc mắc, hỗ trợ cung cấp thông tin về các dịch vụ khám chữa bệnh tới gia đình bệnh nhi. Hỗ trợ gia đình bệnh nhân trong việc hướng dẫn vị trí khu vực phòng khám bệnh, phòng siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, nội soi…

BS Nguyễn Trọng Sơn- Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Việt Đức cho hay, tổ hỗ trợ người bệnh của Bệnh viện Việt Đức đã chính thức triển khai được hơn một năm. Các thành viên của tổ này đã được tập huấn đầy đủ về quy trình khám chữa bệnh của bệnh viện, cách hướng dẫn, ứng xử với người bệnh… Để luôn hỗ trợ người bệnh tốt nhất, các thành viên của tổ này luôn bắt đầu ngày làm việc từ lúc 6h sáng hàng ngày cho đến khi hết bệnh nhân tại hai bộ phận là Khoa Khám bệnh và Khoa Chẩn đoán hình ảnh.

Hoàng Quế

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi