Thứ Năm, 19/12/2024
Tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong những ngày nắng nóng
Các bệnh nhân chờ khám bệnh

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, mùa hè năm 2016 tiếp tục có những đợt nắng nóng trên diện rộng. Đặc biệt là khu vực Hà Nội, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân và phòng tránh tác hại của nắng nóng đến sức khỏe, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế, các bệnh viện cần tích cực tuyên truyền cho nhân dân, người lao động và chủ lao động trên địa bàn hiểu và biết phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe con người như say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức, gia tăng bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ, gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, sốt cao co giật…

Theo công văn của Bộ Y tế, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, các đối tượng dễ tổn thương nhất là người già, phụ nữ có thai, trẻ em tại các khu vui chơi giải trí, nhà trẻ, công nhân làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao, nông dân lao động ngoài trời; người bệnh đang điều trị các bệnh như tim mạch, bệnh phổi mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường, tiêu chảy mất nước, vẩy nến, chàm, bỏng, cường tuyến giáp… Vì thế, cần đặc biệt quan tâm, tuyên truyền cho nhóm đối tượng này trong việc phòng chống nắng nóng. 

Đặc biệt, Bộ Y tế cũng yêu cầu tại khoa khám bệnh của các bệnh viện cần bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt, bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám, có nước uống miễn phí. Tăng cường nhân lực, bố trí đầy đủ bàn khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Bảo đảm tinh thần thái độ phục vụ người bệnh tốt trong điều kiện nóng bức. Tại khoa điều trị có thể lắp đặt quạt điện bảo đảm người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; cung cấp đủ nước sạch cho người bệnh. Hạn chế tối đa nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện. Ngoài ra, các bệnh viện cũng cần bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tai biến mạch não, hô hấp, tiêu hóa… Đồng thời chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp.

Sở Y tế Hà Nội cũng vừa công văn khẩn gửi các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập của Hà Nội về việc tiếp tục tăng cường công tác y tế phòng chống nắng nóng. Theo đó, qua công tác giám sát quy chế chuyên môn, các đơn vị đã chuẩn bị công tác chống nắng, nóng cho người bệnh đến khám. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa bảo đảm đầy đủ công tác phòng chống nắng nóng.

Để giảm thiểu tác hại do thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành bảo đảm cung cấp đủ nước uống, nước sinh hoạt cho người bệnh đến khám và chữa bệnh. Mặt khác, tăng cường quạt điện, quạt thông gió, bạt che… tại khoa khám bệnh và buồng bệnh điều trị nội trú. Lưu ý sử dụng điều hoà thường xuyên cho các phòng cấp cứu, phòng hồi sức, khoa sản, nhi… Thực hiện mỗi người nằm một giường, không nằm ghép. Khi có người bệnh chuyển tuyến phải bảo đảm chống nắng cho người bệnh trên đường vận chuyển. Ngoài ra, các cơ sở y tế phải bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh bị say nắng, say nóng và các bệnh mùa hè. Các đơn vị tự kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống nắng nóng và Sở Y tế sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất. 

Thái Ninh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất