Thứ Hai, 29/4/2024
Đẩy mạnh kết hợp đông - tây y trong khám chữa bệnh cho người dân
Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm y, dược cổ truyền Việt Nam

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, ngành y dược cổ truyền là di sản vô cùng quý báu của dân tộc, là một bộ phận không thể thiếu của nền Y dược Việt Nam trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử y học cổ truyền Việt Nam đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, phương pháp quý báu trong phòng bệnh, chữa bệnh bằng thuốc và không dùng thuốc, được lưu truyền, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác, ngày càng được bổ sung để hoàn thiện hơn, khoa học hơn. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế là bảo tồn, phát huy có hiệu quả di sản này trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo Phó Thủ tướng, lời căn dặn của Thiền sư Tuệ Tĩnh: “Nam dược trị nam nhân” và lời dạy của Bác Hồ về việc chú trọng nghiên cứu, phối hợp Đông y với Tây y trong chữa bệnh, đang đòi hỏi lĩnh vực Y dược cổ tryền cần được phát triển theo phương châm: khoa học, dân tộc và đại chúng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của y học cổ truyền phải bằng các phương thức, công cụ khoa học để lý giải; chú trọng nghiên cứu, minh chứng bằng khoa học, vì trong y dược cổ truyền còn có những vấn đề mà khoa học hiện đại chưa lý giải được.

Về vấn đề phát triển cây thuốc, Phó Thủ tướng cho rằng phải xét đến mục đích cuối cùng là cơ sở khoa học để chứng minh tác dụng chữa bệnh của dược liệu.

Tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, cần đổi mới đào tạo để tiến tới việc bác sỹ Tây y cũng có đủ kiến thức để kê đơn thuốc y dược cổ truyền, Đông- Tây y kết hợp. “Chúng ta phải đổi mới rất nhiều khâu, trước hết là đổi mới căn bản về đào tạo y học. Một trong những nội dung đổi mới đó là tiến tới tất cả những người bước chân vào ngành y, những năm đầu phải được học chung những kiến thức cơ bản, gồm cả kiến thức y học cổ truyền và y học hiện đại, cả dự phòng và điều trị, sau đó mới đi vào chuyên khoa, nhằm tránh tình trạng Đông y và Tây y là 2 dòng nước khác nhau. Chúng ta sẽ kiên trì thực hiện việc này.”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói

Cũng tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, 60 năm qua, ngành Y dược cổ truyền Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa Y học cổ truyền trở lại vị trí xứng đáng trong hệ thống y tế nhà nước.

Đến nay đã có 56 tỉnh, thành phố có bệnh viện y học cổ truyền tuyến, gần 93% bệnh viện đa khoa có khoa hoặc tổ y học cổ truyền, gần 85% trạm y tế có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và có vườn thuốc nam. Cả nước có đến 4.000 loài thực vật có thể dùng làm thuốc và hiện có khoảng 1.000 loại thuốc dược liệu đăng ký lưu hành trên thị trường.

Cùng với đó, hệ thống đào tạo cán bộ y học cổ truyền được củng cố và phát triển. Năm 2005, ngành y tế đã tham mưu cho Chính phủ thành lập Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, qua đó nhân lực cho lĩnh vực Y dược cổ truyền ngày càng được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng; Dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đã được đưa vào danh mục thuốc chủ yếu được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán; Chất lượng dược liệu ngày càng được kiểm soát chặt chẽ… Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực Y dược cổ truyền­ ngày càng mở rộng, uy tín của Y dược cổ truyền Việt Nam trên trường quốc tế đặc biệt là các nước trong khu vực ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn nêu rõ hệ thống khám chữa bệnh y học cổ truyền còn mỏng và một số chính sách về  y dược cổ truyền còn bất cập. Đặc biệt, hơn 90% dược liệu của Việt Nam hiện nay nhập khẩu từ Trung Quốc. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền, đẩy mạnh Đông Tây y kết hợp, bảo tồn các bài thuốc quý và khuyến khích phát triển các vùng trồng dược liệu.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Cục Quản lý Y dược cổ truyền. Nhiều cá nhân và tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế...

Thương Huyền

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất