Những năm qua, Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều mô hình, đề án về công tác DS - KHHGĐ với cách làm hay, hiệu quả. Từ đó, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở địa phương.
Một trong những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dân số là mô hình tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) cho thanh niên, vị thành niên. Mô hình là kênh thông tin hữu ích, giúp giới trẻ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn và sử dụng các biện pháp tránh thai; khi mang thai đến cơ sở y tế để khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Trong khuôn khổ hoạt động của đề án tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, đến nay Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã chỉ đạo xây dựng được 150 câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân tại các địa phương, thu hút hơn 5.500 thanh niên sống tại cộng đồng tham gia tại 30 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố. Thông qua hoạt động mô hình CLB nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng về CSSKSS/KHHGĐ cho thanh niên và vị thành niên sống tại cộng đồng. Mỗi tháng, các CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ một lần với nhiều nội dung phong phú như tuyên truyền kiến thức về SKSS vị thành niên thông qua hình thức sân khấu hóa, tổ chức hái hoa dân chủ, giao lưu với khách mời là các bác sĩ có chuyên môn, cán bộ của ngành dân số để tìm hiểu thông tin một cách thiết thực, hiệu quả. Chị Trần Thị Thu Trang, thành viên CLB tiền hôn nhân phường Đông Giang, Đông Hà chia sẻ: “Thông qua việc tham gia sinh hoạt tại các CLB tiền hôn nhân, các đoàn viên thanh niên được trang bị những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình, nâng cao năng lực để trở thành những tuyên truyền viên hay giáo dục viên đồng đẳng trong lĩnh vực dân số, chăm sóc SKSS/KHHGĐ”.
Xác định việc triển khai thực hiện mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên là một nội dung trọng tâm của công tác DS - KHHGĐ tại địa phương, trong những năm qua mô hình này đã mang lại những tác động tích cực đối với đời sống kinh tế - xã hội do việc tránh được số sinh chưa cần thiết. Không chỉ hạn chế mức sinh cục bộ, mô hình làng không có người sinh con thứ ba trở lên còn góp phần tích cực vào nỗ lực giảm sinh chung của tỉnh. Đến nay, mô hình này đã phát triển đều khắp ở các huyện, thị xã, thành phố và mang lại hiệu quả thiết thực, tạo môi trường xã hội và điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao nhận thức và có hành vi đúng về các vấn đề liên quan đến DS - KHHGĐ. Đến nay đã có 676/1.082 thôn, bản, khu phố tổ chức phát động xây dựng mô hình làng không có người sinh con thứ ba trở lên (chiếm 62,4% tổng số làng toàn tỉnh); có 146 làng đạt thành tích trên 3 năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên, được UBND tỉnh khen thưởng theo Nghị quyết 11/NQ-HĐND tỉnh với tổng kinh phí khen thưởng 3.340.000.000 đồng, trong đó có 41 làng đạt 5 năm trở lên và 105 làng đạt 3 năm liên tục không có người sinh con thứ ba trở lên.
Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp từng vùng, từng nhóm đối tượng được ngành dân số tỉnh đẩy mạnh thực hiện trong nhiều năm qua. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về chính sách dân số được nâng lên, quy mô gia đình ít con thu hút nhiều cặp vợ chồng thực hiện, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số. Chi cục DS - KHHGĐ đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường các hoạt động truyền thông với hàng trăm tin bài được phát sóng trên Đài PTTH tỉnh và đăng trên Báo Quảng Trị đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành vi của người dân trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS - KHHGĐ. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng với việc đổi mới về nội dung, phong phú về hình thức. Thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động như nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong các cuộc họp dân, sinh hoạt các CLB thực hiện chính sách DS - KHHGĐ, sinh hoạt nhóm nhỏ, đoàn thể…Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhất là hoạt động nhân Ngày Dân số thế giới 11/7, Tháng hành động quốc gia về dân số, Ngày Dân số Việt Nam 26/12, đợt truyền thông cao điểm về mất cân bằng giới tính khi sinh…Thường xuyên cấp phát tài liệu tuyên truyền cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở củng cố và duy trì hoạt động mô hình thôn không có người sinh con thứ ba trở lên, các câu lạc bộ tư vấn, CSSKSS tiền hôn nhân...
Cùng với việc tăng cường công tác tư vấn tại trạm y tế cho các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ, ngành dân số tỉnh đặc biệt chú trọng quản lý phụ nữ, các bà mẹ mang thai có nguy cơ sinh con bị dị tật, khuyết tật cao. Đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số tăng cường các hoạt động tư vấn, thăm hộ gia đình, tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn tại trạm y tế về DS/CSSKSS/KHHGĐ, tiếp cận với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vận động đối tượng chủ động tham gia thực hiện các biện pháp tránh thai, xây dựng quy mô gia đình ít con. Bác sĩ Trương Hữu Thiện, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Trong thời gian tới, ngành dân số tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển với các nhiệm vụ chính như: Đầu tư chăm sóc người cao tuổi, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe - tư vấn tiền hôn nhân, lồng ghép với vấn đề cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Đồng thời tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động về chính sách dân số cả nội dung và hình thức. Trong đó tập trung vào đối tượng khó tiếp cận, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai, thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số ở địa phương; kịp thời biểu dương, khuyến khích các cá nhân, tập thể đạt thành tích tốt nhằm phát huy hiệu quả, nhân rộng các mô hình”.
Trần Doãn Cầm