Theo phóng viên TTXVN tại Italy, trước đông đảo cộng đồng Việt Nam đang sống, lao động và học tập tại Italy, cũng như bạn bè Italy và quốc tế, Đại sứ Việt Nam tại Italy Cao Chính Thiện đã tổng kết những thành tựu nổi bật về kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại của Việt Nam trong năm Bính Thân 2016. Theo Đại sứ Cao Chính Thiện, chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đến Italy của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 11/2016 đã thể hiện quyết tâm chính trị lớn từ hai phía đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italy đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Chuyến thăm là minh chứng sống động, khẳng định xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác Việt Nam–Italy trong tương lai.
Cũng nhân dịp này, Đại sứ Cao Chính Thiện đã bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc đến những mất mát của người dân Italy bị ảnh hưởng sau các trận động đất và lở tuyết xảy ra vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017. Đại sứ Cao Chính Thiện nhấn mạnh “Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có ý nghĩa hết sức thiêng liêng cao quý, là nét văn hóa độc đáo và có tính nhân văn sâu sắc đối với mỗi người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước.”
Được tổ chức đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, không gian tết Việt Nam tại Italy càng trở nên có ý nghĩa hơn với đủ câu đối, cành đào, những món ăn truyền thống làm ấm lòng những người Việt Nam đón Tết xa nhà. Điểm đặc biệt thú vị và góp thêm nét “hội nhập” của chương trình đón Xuân Đinh Dậu 2017 là sự góp mặt của một nhóm nhạc jazz đến từ thành phố Torino, miền Bắc Italy và phần giới thiệu dự án đô thị “Thành phố đèn lồng,” lấy từ cảm hứng từ văn hóa Việt Nam, của hai tác giả là nhà điêu khắc Massimo Bertolini và kiến trúc sư Nicola Vannuchi.
Dù không còn xa lạ với những buổi Tết cộng đồng hàng năm do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức, nhưng nhiều bạn bè Italy và quốc tế vẫn trầm trồ trước không khí Tết Việt và tinh thần của cộng đồng người Việt Nam tại Italy được thể hiện trong không khí Tết truyền thống. Buổi liên hoan đón Tết truyền thống thực sự đã trở thành điểm hội tụ của đông đảo các thế hệ người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Cộng hòa Italy và của những người bạn Italy, quốc tế luôn yêu mến Việt Nam.
Trong khi đó, tại Biển Hồ, Campuchia, bà con Việt kiều cũng đang bận rộn đón Tết Đinh Dậu trong bầu không khí ấm cúng. Dù cuộc sống lênh đênh trên sông nước còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng mỗi khi năm hết Tết đến, các gia đình kiều bào ở Biển Hồ, Vương quốc Campuchia đều tổ chức đón năm mới theo phong tục Tết cổ truyền của dân tộc.
Phóng viên TTXVN đã về xã Chhnok Trou, huyện Boribo, tỉnh Kampong Chhnang, thuộc khu vực Biển Hồ, một trong những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống đông đúc tại Vương quốc Campuchia để tìm hiểu về việc chuẩn bị đón Tết cổ truyền của bà con kiều bào tại đây. Đường đi vào nơi bà con kiều bào sinh sống phải qua một chợ nhỏ. Phiên chợ cuối năm của xã vùng sâu những ngày cận Tết nhộn nhịp hơn hẳn.
Dù là một xã nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăa, nhưng không vì thế mà hàng hóa nơi đây thiếu đi sự phong phú, đặc biệt là những mặt hàng phục vụ cho việc đón Tết của bà con Việt kiều. Qua khỏi khu chợ là tới khu nhà bè nơi bà con sinh sống. Làng nổi xã Chhnok Trou, huyện Boribo, tỉnh Kampong Chhnang nằm ở cửa Biển Hồ với hàng trăm ngôi nhà lớn nhỏ nổi dập dềnh trên mặt nước. Có khoảng 700 hộ gia đình kiều bào sống tại đây, phần lớn làm nghề chài lưới, mua bán nhỏ. Không khí Tết đã về với từng hộ dân tại làng nổi này. Nhà nhà, người người đang chuẩn bị đón Tết.
Anh Nguyên Văn Côi cho biết gia đình anh đã ba đời sống trên Biển Hồ, nhưng hễ năm mới Tết đến thì gia đình đều tiến hành đón Tết cổ truyền. Năm nay, cá có giá và việc đánh bắt thủy sản của bà con ở Biển Hồ được mùa, nên đa phần bà con có điều kiện đón Tết Đinh Dậu được đầy đủ và tươm tất. Dù sống lênh đênh trên Biển Hồ nhưng bà con kiều bào không vì thế mà mất đi những chiếc bánh tét dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên ngày Tết.
Nhà bà Chế Thị Ô có nhiều đời chuyên gói bánh tét phục vụ bà con kiều bào. Trung bình mỗi ngày trước Tết, gia đình bà gói cả nghìn cái bánh. Nhu cầu cao, lượng bánh nhiều nên năm nào cả nhà ba thế hệ của bà đều cùng nhau gói bánh. Bà Chế Thị Ô chia sẻ: “Mình gói để cúng ông bà, con cháu ăn, còn lại thì bán kiếm tiền ăn Tết.” Quyết tâm giữ nghề gói bánh Tét của gia đình bà Chế Thị Ô đã góp phần giữ cho cái Tết Việt ở nơi bốn bề sóng nước Biển Hồ thêm phần ấm áp.
Đặc biệt hơn, đó còn là sự chứa đựng tình cảm Việt trong từng chiếc bánh, sự chia sẻ ngày Tết cho nhau từ chính những người con Việt xa xứ. Theo các hộ dân sinh sống tại làng nổi Chhnok Trou, năm nay, đa số các hộ gia đình người Việt đều đón Tết hồ hởi hơn so với các năm trước. Những cái bánh Tét được gói và nấu chín trên những chiếc bè như ngon hơn, dẻo hơn và như tôn lên thêm giá trị của bản sắc Việt dù có sinh sống bất cứ nơi đâu.
Nhân dịp Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017, cộng đồng kiều bào tại Thái Lan cũng tổ chức nhiều hoạt động rất ý nghĩa nhằm xây dựng khối đoàn kết, hướng về quê hương, tưởng nhớ công ơn của tổ tiến, các bậc tiền nhân và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã để lại dấu ân sâu đậm trong cộng đồng người Việt trên đất Thái Lan. Vào tối 22/1, tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Bangkok đã diễn ra sự kiện “Buổi nói chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.” Tham dự có cán bộ cơ quan đại diện và đông đảo bà con Việt kiều, người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc tại Thái Lan.
Trước khi diễn ra buổi nói chuyện, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Tất Thành đã cùng bà con kiều bào đã thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phòng thờ trong khuôn viên Đại sứ quán. Diễn giả trình bày là giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng và Trung ương, nhà nghiên cứu nổi tiếng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những câu chuyện về Bác Hồ qua lời kể giản dị, xúc động của Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã giúp cho các thế hệ kiều bào tại Thái Lan hiểu hơn về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Qua những câu chuyện cảm động, giáo sư Hoàng Chí Bảo truyền đến cho bà con tình cảm và tinh thần yêu nước nồng nàn của Bác, tạo nguồn động viên mạnh mẽ để bà con phấn đấu đoàn kết, giữ gìn và phát huy văn hóa Việt Nam, luôn hướng về Tổ quốc. Sau buổi nói chuyện là tiệc đón Xuân Đinh Dậu dành cho bà con kiều bào, bà con đã được thưởng thức bánh chưng và những món ăn cổ truyền của dân tộc. Mọi người rất vui vì có dịp được cùng nhau quây quần, trò chuyện và thưởng thức không khí Tết truyền thống đầm ấm như ở Việt Nam.
Trước đó, sáng 24/1, tại Chùa Khánh An ở thành phố Udon Thani, tỉnh Udon Thani thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan đã diễn ra lễ khánh thành Trường tiếng Việt Khánh An, nơi kiều bào tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho cộng đồng tại Udon Thani và cả vùng Đông Bắc. Đây là một điểm nhấn nhiều ý nghĩa trong hoạt động của cộng đồng kiều bào với mục đích tiếp tục phát huy phong trào học tiếng Việt, gìn giữ hồn cốt văn hóa dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Đại sứ Nguyễn Tất Thành vui mừng chứng kiến phong trào dạy và học tiếng Việt đang trên đà phát triển, nhấn mạnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Việt Nam và Thái Lan nhằm hỗ trợ thiết thực cho phong trào dạy và học tiếng Việt tại Thái Lan.
Đại diện cho chính quyền tỉnh Udon Thani, Phó tỉnh trưởng Sithichai Jindaluang cũng chia sẻ, ngôn ngữ là chìa khóa tiếp cận thông tin, tri thức, văn hóa và khẳng định, là địa phương có cộng đồng người Việt Nam lớn nhất Thái Lan, chính quyền Udon Thani luôn ủng hộ và coi trọng việc dạy và học tiếng Việt.
Ý nghĩa của chuỗi những sự kiện quan trọng nói trên càng được nhân lên khi dịp này bà con Việt kiều tại Nakhon Phanom, Udon Thani và các địa phương Đông Bắc Thái Lan được đón giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo đến chia sẻ những câu chuyện về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cũng đã tổ chức thăm hỏi, chúc Tết cán bộ Việt kiều lão thành. Thay mặt đoàn, Đại sứ Nguyễn Tất Thành đã thăm hỏi, động viên và bày tỏ tri ân đối với công lao, hy sinh của các cán bộ Việt kiều lão thành trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc./.
Nguồn: Vietnamplus.vn, ngày 27/01/2016