Những người lao động nghèo ở miền Trung sẽ lại nhìn thấy Tổ quốc - nơi mà hơn lúc nào hết, họ mong được trở về.
Cuối cùng, chuyến bay “đặc biệt” đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo, trong đó 129 người dương tính với Covid-19 đã cất cánh, sớm hơn 6 ngày so với dự kiến và sẽ đáp xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội vào ngày hôm nay 29/7. Từ châu Phi xa xôi, những người lao động nghèo ở miền Trung sẽ lại nhìn thấy Tổ quốc – nơi mà hơn lúc nào hết, họ mong được trở về, được bình an và hy vọng bảo toàn mạng sống.
|
Toàn bộ phi hành đoàn được trang bị đồ bảo hộ y tế đặc chủng đến sân bay Bata
của Guinea Xích đạo đón công dân Việt Nam về nước
|
Đây là những lao động Việt Nam đi làm việc tại một dự án thủy điện ở Guinea Xích Đạo theo hợp đồng trúng thầu của 3 doanh nghiệp Việt Nam.
Họ, vì miếng cơm, manh áo phải lao động cực nhọc nơi xứ người.
Họ, vì bệnh dịch, vì lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo mà phải trở về nước, dù hợp đồng sắp hết hạn.
“Tinh thần và quan điểm của Chính phủ là đặt quyền lợi của người lao động Việt Nam lên trên hết, phải bằng mọi cách đảm bảo sức khỏe của mọi công dân Việt Nam. Vì vậy, Thủ tướng đã đồng ý và giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương tính toán phương án, lo thủ tục để sớm đưa các lao động về nước”. Ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cho biết như vậy.
Ngày 10/7, khi truyền thông đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu có chuyến bay cứu hộ công dân ngay tức thời ở Guinea Xích Đạo, nhiều người mẹ, người vợ ở Nghệ An đã vỡ òa xúc động. Họ như trút được gánh nặng lo âu khi con em họ mắc Covid-19 ở đất nước mà y tế còn rất khiêm tốn, lạc hậu có cơ hội trở về Tổ quốc.
4 phương án bay đã được lập kế hoạch, liên tục các cuộc họp khẩn của các cơ quan, ban ngành và phương án cuối cùng đã được chốt.
Chuyến bay “đặc biệt” trên một hành trình “đặc biệt”, không giống với những lần đón công dân Việt Nam trước đây, kể cả chuyến giải cứu 30 công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán ngày 10/2. Nó “đặc biệt” bởi hơn 1 nửa trong số họ đang là bệnh nhân, cần có phương án để bảo vệ sức khỏe và hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong suốt quá trình di chuyển.
An toàn là trên hết- mệnh lệnh ấy được cả kíp bay đặt lên hàng đầu, trong đó có các bác sĩ và y tá của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Mọi phương án, kịch bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và ngay sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài, xe chuyên dụng sẽ tới tận chân cầu thang đưa bệnh nhân, người có liên quan về bệnh viện để cách ly, điều trị, nguồn lây ra cộng đồng sẽ được kiểm soát tối đa.
Chuyến bay chứa đựng trong đó cả trách nhiệm, tình cảm, sự hy sinh và lòng quả cảm.
Người Việt dù ở đâu cũng là công dân nước Việt. Không phải ngẫu nhiên, trong suốt thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Việt Nam thường xuyên có các cuộc điện đàm, trao đổi với lãnh đạo cấp cao các nước với mong muốn phía bạn tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng người Việt gia hạn visa, thị thực khi hết hạn. Bộ Ngoại giao cùng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt quan tâm tới những du học sinh đã hết hạn visa hoặc những người lao động đã hết hạn hợp đồng… Hơn 40 chuyến bay, hơn 10.000 người Việt từ khắp nơi trên thế giới đã lần lượt trở về quê hương.
Nhu cầu về nước của người Việt là rất lớn. Tuy nhiên, theo Đại sứ Lương Thanh Nghị- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đưa công dân về nước còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh của các quốc gia, chính sách của các nước trong việc đóng hay mở cửa biên giới, phụ thuộc vào năng lực cách ly ở trong nước…
Covid-19 đã quay trở lại. Cả hệ thống chính trị lại một lần nữa phải gồng mình “chống dịch như chống giặc”. Nhiệm vụ nào cần ưu tiên giải quyết trước, Chính phủ sẽ cân nhắc để bảo đảm tối đa lợi ích cho cộng đồng.
Tại thời điểm này, hơn 200 lao động Việt Nam đang gặp hoạn nạn ở Guinea Xích Đạo có mong muốn về nước, Chính phủ sao nỡ từ chối họ!
Dang tay đón lấy đồng bào. Tổ quốc là bến bờ!
(vov.vn)