Thứ Năm, 16/1/2025
Luận về tham nhũng vặt

Thế nhưng, mọi thứ “vặt” đều không phải như nhau. Có những thứ vặt làm ảnh hưởng lớn và băng hoại đạo đức xã hội. Đó là “tham nhũng vặt”. Chúng ta tạm thống nhất khái niệm, quy mô… tham nhũng vặt cũng giống như ăn vặt vậy. Nghĩa là nhỏ. Nhỏ nhưng nhiều, dễ bắt gặp, nó diễn ra khắp nơi. Tạm lấy quy định pháp luật ra làm chuẩn, ví dụ như quy định của pháp luật là anh “u lụng” bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là việc nghiêm trọng, là lớn. Nhỏ hơn con số đó có thể cho là “tham nhũng vặt”.

Gọi là “chuyện nhỏ” nhưng có thể thấy nó gây nhiều tác hại cho xã hội. Thử nhìn vào trong xã hội chúng ta, tham nhũng vặt nó diễn ra như thế nào? Trong giáo dục có không? Câu trả lời là có. Trong y tế có không? Câu trả lời là có. Trong nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương đều có tình trạng này. Và có vẻ như nó ngày càng phổ biến. Đối với các doanh nghiệp, có một khái niệm gọi là “chi phí không chính thức”. Có những cuộc điều tra, có đến hàng chục phần trăm doanh nghiệp cho rằng phải có loại chi phí này thì công việc mới trôi chảy. Tức là mức độ không còn nhỏ nữa. Thử hỏi hàng năm có bao nhiêu tiền của xã hội đã trôi theo “dòng chảy ngầm tham nhũng vặt”. Xét về mặt kinh tế, tham nhũng vặt đã làm hao kiệt một nguồn lực không đáng có cho doanh nghiệp, cho người dân.

Nhưng điều quan hơn, đó là nó làm băng hoại đạo đức xã hội. Một con người cũng vậy mà một xã hội cũng vậy, nói khái quát là nó được xây dựng trên hai trụ cột: vật chất là tinh thần. Vật chất là những cái gì cụ thể, sờ mó được; tinh thần là tâm tư tình cảm, cái đẹp, quan hệ trọng nghĩa tình… Khó có thể nói cái nào quan trọng hơn cái nào. Nhưng một xã hội mà đề cao đồng tiền trong các mối quan hệ, thì “coi chừng” rất dễ dẫn đến sự băng hoại đạo đức xã hội. Nó làm cho đời sống tinh thần xã hội trở nên “lép vế”. Đầu tiên đó là nó làm lệch chuẩn mực đạo đức xã hội. Nếu quan hệ thông thường giữa con người với con người là quan hệ tình cảm, trách nhiệm thì khi tham nhũng vặt xảy ra, nó đã chuyển mối quan hệ giữa người với người thành quan hệ tiền bạc. Một khi đã quan hệ như vậy rồi thì cái nghĩa vụ trách nhiệm, đạo đức xã hội sẽ dần phai nhạt. Đến một lúc nào đó, con người xử sự với con người theo một cách “lạnh lùng” - “có ba trăm lạng việc này mới xong”. Khi đồng tiền là chiếc cầu nối trong mối quan hệ trách nhiệm thì nó trở nên nguy hiểm cho đạo đức xã hội. Sự băng hoại đạo đức là điều có thể nhìn thấy rất rõ.

Mọi người trong mọi chúng ta cứ ngẫm lại điều này mà xem!

Tại cuộc tiếp xúc cử tri vào tháng 11/2018 tại quận Ba Đình, Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất khó chịu”. Tổng Bí thư đã chỉ ra ngay một vài biểu hiện và tác hại:  "Đến cửa nào cũng phải tiền, không có tiền không trôi. Bôi trơn mà! Xin giấy tờ học hành cho con, cho cháu, chuyển chỗ nọ chỗ kia, thích thì cấp cho ngay hoặc có phong bì sẽ được nhanh, không có thì ông ấy cứ ngâm đấy, khó chịu lắm và hư hỏng cán bộ, đây không phải chuyện nhỏ”.

Quả là chuyện không hề nhỏ.

Nguyên Lê

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi