Từ thực tiễn, điều mà Huyện ủy Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định là qua 17
năm (1998 - 2015) triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo Chỉ
thị 30 - CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đem lại kết quả rất thiết
thực và tạo ra phong trào quần chúng mạnh mẽ.
|
Phụ nữ xã Gung Ré hăng hái tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường |
Sau khi có Chỉ thị 30 - CT/TW của Bộ
Chính trị (khóa VIII) về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”
(QCDCCS), Chỉ thị số 10-CT/TW và Kết luận 65-KL/TW của Ban Bí thư và
các nghị định của Chính phủ, Huyện ủy Di Linh đã thành lập Ban Chỉ đạo
từ huyện đến cơ sở; tổ chức học tập, quán triệt và đề ra Nghị quyết
chuyên đề về xây dựng và thực hiện QCDCCS. Trong những năm gần đây, việc
thực hiện QCDCCS được Huyện ủy Di Linh triển khai gắn với công tác xây
dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2);
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng
Đảng hiện nay”; Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy
mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào “Di
Linh chung tay xây dựng nông thôn mới”; phong trào thi đua “Dân vận
khéo”... Huyện ủy Di Linh xem việc xây dựng và thực hiện QCDCCS là nội
dung quan trọng, thường xuyên và rộng khắp trong tất cả các tổ chức cơ
sở đảng, các cấp chính quyền, các đoàn thể quần chúng và các khu dân cư;
là một nội dung và chỉ tiêu quan trọng trong việc đánh giá, phân loại
các tổ chức cơ sở đảng và cán bộ đảng viên hàng năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông K’Bim, Phó
Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Di Linh, cho biết: Để đem lại hiệu quả
thiết thực, việc xây dựng QCDCCS không thể chung chung, đòi hỏi phải cụ
thể, phải gắn với việc xây dựng quy ước, hương ước ở cộng đồng dân cư.
Theo đó, toàn huyện đã xây dựng, dần dần bổ sung để từng bước hoàn chỉnh
203 quy ước, hương ước tại 203 thôn, tổ dân phố; trong đó, có 74 quy
ước, hương ước thôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua quy
ước, hương ước thể hiện tính dân chủ, công khai phù hợp với nguyện vọng
và phong tục, tập quán của các dân tộc trong từng cộng đồng dân cư.
Từ cách làm nói trên, để “dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các cấp chính quyền và các ngành đều
thực hiện việc công khai, như công khai quy hoạch phát triển kinh tế -
xã hội; công khai các thủ tục hành chính; công khai thu - chi các khoản
đóng góp, các nguồn vốn vay, các nguồn hỗ trợ... Nhờ vậy, mỗi khi phát
động các phong trào quần chúng trên mọi lĩnh vực đều được đông đảo nhân
dân đồng tình tham gia. Đơn cử, như phong trào “Di Linh chung tay xây
dựng nông thôn mới”. Trong phong trào này, các cấp ủy Đảng, chính quyền,
Mặt trận và các đoàn thể đã có những cách làm sáng tạo. Từ đó, nhân dân
sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công và tiền của để làm đường giao
thông nông thôn, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng (hội trường thôn) và
các công trình phúc lợi công cộng, tham gia làm sạch, đẹp đường làng ngõ
xóm...
Theo ông Đặng Thanh Minh (Trưởng Ban
công tác Mặt trận thôn Hàng Hải, xã Gung Ré): Nhờ có QCDCCS và Quy ước
thôn, Ban công tác Mặt trận thôn phối hợp vận động bà con trong thôn đã
tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Từ năm 2011, khi xã
Gung Ré phát động và triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng
NTM, bà con đã hiến đất, đóng góp tiền của và công sức lao động để xây
dựng đường sá và các công trình phúc lợi. Với “70 - 30” (Nhà nước hỗ trợ
70%, nhân dân đóng góp 30%), thôn Hàng Hải đã vận động bà con đóng góp
được 788 triệu đồng để đổ bê tông xi măng 9 tuyến đường giao thông trong
thôn với tổng chiều dài hơn 6km và đóng góp 560 triệu đồng để đổ nhựa 1
tuyến đường 0,7km. Nhờ vậy, thôn Hàng Hải hiện trở thành một tập thể
điển hình của xã Gung Ré trong phong trào chung sức xây dựng NTM.
Hoặc, trên lĩnh vực xã hội, qua các
cuộc vận động, trong 17 năm qua, nhân dân trong huyện đã đóng góp hơn 30
tỷ đồng, bao gồm “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ xóa
nhà tạm”, “Quỹ ủng hộ Trường Sa” và các hoạt động từ thiện xã hội khác.
Từ nguồn quỹ này, huyện đã hỗ trợ sửa chữa và làm mới trên 600 nhà đại
đoàn kết, 216 nhà tình nghĩa và giúp đỡ nhiều hộ nghèo phát triển sản
xuất, ổn định cuộc sống...
Theo Ban chỉ đạo QCDCCS huyện, thông
qua việc thực hiện QCDCCS, toàn huyện đã tổ chức được 318 cuộc giám sát
chất lượng các công trình xây dựng ở các xã, thị trấn. Việc giám sát chủ
yếu là trên các lĩnh vực giao thông nông thôn, hồ đập thủy lợi, nhà
sinh hoạt cộng đồng, trường học, trụ sở xã, hệ thống cấp nước sinh hoạt,
nhà đại đoàn kết… Mặt khác, việc thực hiện QCDCCS có vai trò rất thiết
thực trong việc vận động nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở
cơ sở. Điều đó, thể hiện trong việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ;
việc nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên; việc tổ chức cho
nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Nguồn: baolamdong.vn/ Xuân Long, ngày 7/9/2015