Thứ Ba, 28/1/2025
Hà Nội phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng đồng thuận xã hội
 
Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện
Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội kiểm tra tại thị xã Sơn Tây.
 

 

Tạo đồng thuận trong các vấn đề khó

Với phương châm làm từng bước vững chắc, không làm ồ ạt nhiều nội dung, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong tất cả các loại hình trên địa bàn quận Tây Hồ đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở quận thường xuyên chỉ đạo cơ sở, đặc biệt là các phường chú trọng xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình mới, lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, như: Công tác giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng - đô thị, bảo vệ môi trường, công tác thuế…

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận đã có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân. Cụ thể, quận đã phê duyệt quy chế thực hiện dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng; xây dựng kế hoạch và tổ chức hội thảo chuyên đề về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong công tác bảo vệ môi trường… Ngoài ra, với phương châm xây dựng mô hình chính quyền thân thiện, Quận ủy đã chỉ đạo UBND quận ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo trong công tác cải cách hành chính”. Phong trào đã được triển khai đến 100% phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, UBND các phường và các đơn vị hiệp quản trên địa bàn quận. Nhờ đó, mức độ hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan nhà nước trên địa bàn quận tăng lên rõ rệt.

Tương tự, tại quận Cầu Giấy, các cấp ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở bảo đảm tính đồng bộ, kịp thời trên các lĩnh vực công tác, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, giải quyết công việc, nhất là trong công tác xây dựng, thực hiện dân chủ ở cơ sở để kịp thời nắm bắt tư tưởng, tình hình cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến cho biết, các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả việc công khai, minh bạch những dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án; thông tin về chủ trương, chính sách, kế hoạch, dự án, công trình... có liên quan đến lợi ích của nhân dân trên cổng thông tin điện tử quận và trên hệ thống truyền thanh phường; sử dụng cổng thông tin điện tử, fanpage thông tin chính thống để tổ chức tiếp nhận và xử lý những phản ánh của nhân dân. Cùng với đó là sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, vận động; nắm bắt những vấn đề, mâu thuẫn, bức xúc nảy sinh trong nhân dân. Nhờ đó, cấp ủy, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ việc phát sinh.

Cùng với sự nỗ lực của các địa phương, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tại 12 đơn vị. Qua đó kịp thời phát hiện những thiếu sót của các đơn vị để rút kinh nghiệm hoạt động; ghi nhận, nhân rộng những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đồng thời, Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi tình hình công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đường Vành đai 1…

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Vũ Hà đánh giá: “Nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn thành phố về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có chuyển biến tích cực. Trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng được nâng cao”.

Để người dân thực sự làm chủ

Báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, thời gian qua, một số địa phương chưa chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chế dân chủ trong loại hình mới. Việc ban hành quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố còn chậm triển khai. Việc công khai lấy ý kiến tham gia góp ý ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn hình thức, chưa hiệu quả. Trong khi hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng có nơi, có lúc còn chưa chủ động, chất lượng chưa cao. Việc tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại và ký kết thỏa ước lao động tập thể ở một số đơn vị doanh nghiệp còn mang tính hình thức.

Để thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian tới, đặc biệt là phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Sỹ Trường cho rằng, cần tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tuyên truyền, vận động, giáo dục, đoàn viên, hội viên thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, chủ động phối hợp giám sát; phản biện xã hội; chú trọng giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại.

Từ thực tiễn trong quá trình kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố lưu ý, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh và thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình mới. Trong đó, cần hoàn thiện rà soát, ban hành các quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố theo Nghị định số 61/2023/NĐ-CP của Chính phủ phù hợp với thực tiễn địa phương; tạo sự đồng thuận của người dân trong việc chung tay xây dựng địa phương.

Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho rằng, hằng năm, cần rà soát những vướng mắc, bất cập về văn bản liên quan đến công tác thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong các lĩnh vực liên quan mật thiết đến người dân như: Giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng, đất đai, thuế, trường học, doanh nghiệp… Qua đó kịp thời sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và sát với tình hình thực tiễn để đưa vào tổ chức thực hiện hiệu quả.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố nhấn mạnh, việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở hiệu quả sẽ góp phần khẳng định quyền làm chủ của người dân, theo đúng tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, để người dân được thụ hưởng những gì tốt đẹp nhất của chế độ mang lại.

Để làm được điều đó, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phải hoạt động thực sự hiệu quả, qua đó khơi dậy được khát vọng phát triển của người dân, niềm tự hào của người dân Thủ đô về quê hương, làng xóm; để mỗi người dân Thủ đô thấy được trách nhiệm của mình trong đóng góp vào sự phát triển chung đó. Vì thế, các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, các đơn vị, địa phương cần nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu; thường xuyên củng cố kiện toàn và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tập huấn sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành để Quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống.

(hanoimoi.vn) 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi