Thứ Ba, 26/11/2024
Bến Tre: Vận dụng linh hoạt các hình thức dân chủ
Người dân xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc dự họp lấy ý kiến về xây dựng công trình giao thông nông thôn.

Mở rộng quyền của nhân dân

Trong chỉ đạo thực hiện, các cấp ủy đảng đã gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tăng cường chỉ đạo phát huy dân chủ trong nhân dân để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước qua các mô hình dân vận khéo trong nhân dân.

Điều thấy rõ nhất trong thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn là các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã chú trọng đến việc mở rộng quyền làm chủ của nhân dân. Các hình thức dân chủ trực tiếp thông qua nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát” được vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Tính công khai, dân chủ ngày càng được thể hiện rõ, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm. Cụ thể như công trình trạm biến áp 110kV Giao Long và đường dây điện 110kV Bến Tre - Giao Long… khi triển khai công trình trong phạm vi xã, ấp, chính quyền địa phương đều tổ chức họp lấy ý kiến của nhân dân về mức đóng góp và hình thức đóng góp; thành lập Ban quản lý thực hiện công trình và tổ kiểm tra, giám sát quá trình thi công, có sự tham gia trực tiếp của người dân.

Trong công tác dân vận chính quyền, thực hiện nội dung “Ba không, ba nên, ba cần” tiếp tục được các cơ quan, đơn vị cơ sở thực hiện có hiệu quả. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền có sự đổi mới góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gần dân, trọng dân, trách nhiệm hơn trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân.

Việc cải cách thủ tục hành chính có bước chuyển biến rõ rệt. Đến nay, 164/164 xã, phường, thị trấn đều thực hiện cơ chế một cửa, các bộ thủ tục hành chính được niêm yết đầy đủ tại trụ sở làm việc, trong đó có 68 xã, phường, thị trấn có mô hình dân vận khéo. Bên cạnh đó, mô hình dân vận khéo trong lĩnh vực an ninh trật tự cũng được phát triển đều khắp, hiện có 56 mô hình cấp tỉnh, 23 mô hình cấp huyện, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2015. Công tác hòa giải được quan tâm giải quyết từ cơ sở, chủ yếu ở các lĩnh vực đất đai, môi trường, dân sự, hôn nhân gia đình, tranh chấp lối đi, vay mượn tiền… kết quả hòa giải ngày càng cao. Vai trò Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng từng bước phát huy được hiệu quả.

Đẩy mạnh tuyên truyền cả bề rộng lẫn chiều sâu

Tuy nhiên, trong thực hiện quy chế dân chủ cũng một số hạn chế: công tác tuyên truyền, giáo dục có lúc, có nơi chưa sâu rộng; công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới ở một số nơi thiếu chiều sâu, chưa thường xuyên và liên tục. Một số địa phương chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; việc lấy ý kiến của nhân dân trước khi triển khai thực hiện công trình dân sinh có lúc chưa đảm bảo quy trình dân chủ.

Ông Lê Văn Gặp - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, từ kết quả đạt được và một số mặt hạn chế, trong phương hướng tới, Ban chỉ đạo đã yêu cầu các cấp ủy đảng tiếp tục lãnh đạo, quán triệt Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 09-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả bề rộng lẫn chiều sâu, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; góp phần thực hiện tốt phương châm “Dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, năng động, đổi mới”.

Nguồn: baodongkhoi.com.vn, ngày 25/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất