Thứ Ba, 26/11/2024
Chuyển biến trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Nghĩa Hưng
Cán bộ Thị trấn Quỹ Nhất giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân

Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở, ngay sau đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Nghĩa Hưng đã chủ động kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp, đồng thời ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Chủ động hướng dẫn các địa phương, đơn vị chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế, quy định thực hiện dân chủ phù hợp với từng loại hình cơ sở. Đồng thời tổ chức hơn 1.000 hội nghị tập huấn, tuyên truyền việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc thực hiện dân chủ trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cho hơn 200 nghìn lượt cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân.

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã đưa nội dung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC vào chương trình công tác, gắn kết quả thực hiện QCDC với việc xét thi đua của tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn và việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào: xây dựng NTM, “Dân vận khéo”… Do đó việc thực hiện QCDC cơ sở ở Nghĩa Hưng đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của toàn thể cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi quan trọng giúp các cấp chính quyền triển khai tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huy động được sự đóng góp của nhân dân đối với các phong trào ở địa phương như: Xây NTM, phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…

Bên cạnh việc hướng dẫn tổ chức thực hiện QCDC cơ sở, Huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Hưng cũng luôn quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở nhằm chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, nhất là về các lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” ở các lĩnh vực địa chính, hộ tịch, chứng thực, cấp phép xây dựng... Đối với công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được huyện chỉ đạo quyết liệt với tinh thần phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường đối thoại với nhân dân; rà soát và giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật những vụ việc khiếu kiện kéo dài, nhất là các trường hợp liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, không để xảy ra “điểm nóng”. Đây là cách làm hiệu quả tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đặc biệt là vào thời điểm huyện đang triển khai thực hiện dự án KCN Dệt may Rạng Đông. Trong 9 tháng đầu năm 2016, toàn huyện đã tiếp gần 200 lượt người; tiếp nhận 25 đơn; đã giải quyết 20 đơn và tiếp tục xem xét, giải quyết những trường hợp còn lại.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tất cả những vấn đề có liên quan đến người dân đều được các địa phương, ban, ngành công khai bằng nhiều hình thức, đã tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, hạn chế những tiêu cực trong đời sống xã hội. Đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện đã triển khai và tổ chức thực hiện có nền nếp nội dung của QCDC ở cơ sở. Người dân ở các xã, thị trấn được bàn và quyết định trực tiếp các vấn đề có liên quan đến lợi ích của mỗi cá nhân cũng như của cộng đồng như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các đề án trong xây dựng NTM, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dồn điền, đổi thửa, xây dựng làng nghề, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, khu phố và quy hoạch sử dụng đất, việc thu và quản lý sử dụng các loại quỹ, các khoản huy động nhân dân đóng góp, chính sách hỗ trợ cho nhân dân... Việc giám sát của nhân dân được thực hiện qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng đã giúp chính quyền địa phương khắc phục kịp thời nhiều sai sót, vướng mắc trong quản lý điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách và xây dựng các công trình ở địa phương. Đến nay, ở cả 25 xã, thị trấn trong huyện đã thành lập Ban thanh tra nhân dân với 237 thành viên.

Cùng với đó, việc rà soát, bổ sung hương ước, quy ước ở thôn, xóm, khu phố được thực hiện thường xuyên; nhiều thôn, xóm, khu phố đã tổ chức thực hiện khá tốt các nội dung hương ước, các quy định về việc dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát nên đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của công dân trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, nhất là các nội dung trong chương trình xây dựng NTM. Trong hơn 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn huyện đã vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công, tiền mặt với tổng giá trị 175,6 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi. Đến nay đã có 10 xã, thị trấn của huyện đã được UBND tỉnh cấp Bằng xã đạt chuẩn NTM; 10 xã, thị trấn phấn đấu được công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2016; 5 xã còn lại đạt chuẩn NTM năm 2017; huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2017, toàn huyện có 45.187/55.627 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 81,23%; 225/293 thôn, xóm, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 76,7%.

Đồng chí Đồng Xuân Lực, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở huyện Nghĩa Hưng cho biết: Việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn đã thực sự phát huy quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên và nhân dân và được cụ thể hóa vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn đạt trên 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%. Trong thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Quy định rõ và thực hiện tốt những nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; công khai tài chính, các chế độ chính sách, chương trình đầu tư, các nguồn vốn đóng góp của nhân dân. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận, các đoàn thể theo Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị. Thường xuyên gắn việc thực hiện QCDC với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2015-2020. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện QCDC từ huyện đến cơ sở, tạo sự đồng thuận, khơi dậy nội lực trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra./.

Nguồn: baonamdinh.com.vn, ngày 12/10/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất