Thứ Tư, 18/12/2024
Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước

Dự và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Văn Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thị Xuân Trang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban xây dựng Đảng, các sở, ngành, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Thào Xuân Sùng và đồng chí Nguyễn Văn Lợi, các đại biểu đã nghe báo cáo của Tỉnh ủy; trao đổi thảo luận, làm rõ các vấn đề mà đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh quan tâm như: việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào các dân tộc; xóa đói giảm nghèo; quy hoạch và bố trí đất ở, đất sản xuất; giải quyết việc làm, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; phát triển đảng viên, đào tạo, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số; tình hình tôn giáo... 

 Đồng chí Thào Xuân Sùng phát biểu tại buổi làm việc.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của Bình Phước về cơ bản đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, mục tiêu đề ra. Tuy nhiên tỉnh còn gặp khó khăn như: giá cao su thấp; số doanh nghiệp toàn tỉnh dừng hoạt động, không phát sinh doanh thu còn cao; vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc S’Tiêng sinh sống còn nhiều khó khăn... Đồng chí Nguyễn Văn Lợi đề nghị hệ thống chính trị tỉnh phải tích cực thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Trung ương và địa phương; khắc phục tình trạng hành chính hóa trong công tác dân vận, dân tộc; cán bộ, đảng viên phải sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Ban Dân vận và các sở, ban, ngành chức năng tăng cường nghiên cứu, tham mưu đề ra những chủ trương, chính sách thiết thực, phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt là phát huy, tạo điều kiện, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong đồng bào các dân tộc để làm thay đổi nhận thức, hành động và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số...

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Thào Xuân Sùng đồng tình với báo cáo của Tỉnh ủy, đặc biệt là phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đối với hệ thống chính trị tỉnh trong công tác dân vận, dân tộc, đã phát huy được mọi nguồn lực, sức mạnh của nhân dân các dân tộc, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo cáo và các ý kiến trong buổi làm việc đã phân tích rất rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan và đưa ra bài học kinh nghiệm cụ thể. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận, đồng chí Thào Xuân Sùng đề nghị tỉnh Bình Phước quan tâm quán triệt, triển khai các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc; và mới đây là Chương trình số 31-Ctr/BDVTW, ngày 18/5/2016 của Ban Dân vận Trung ương về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận; đặc biệt quan tâm làm tốt công tác phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số S’Tiêng. Tiếp thu các kiến nghị và đề xuất của tỉnh, đồng chí Thào Xuân Sùng cũng gợi mở một số nội dung, biện pháp để đổi mới phương thức lãnh đạo của hệ thống chính trị Bình Phước đối với công tác dân vận, đó là: (1) Nghiên cứu triển khai cuộc vận động “3 biết” trong đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa mà trọng tâm là đồng bào dân tộc S’Tiêng để khắc phục những hạn chế, yếu kém. “Ba biết” là: biết kiến thức sản xuất hàng hóa; biết sản xuất hàng hóa; biết tiêu dùng. (2) Tổ chức kết nghĩa, đỡ đầu giữa các hộ dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông với các dân tộc thiểu số bản địa. (3) Xây dựng tiêu chí chi bộ nông thôn trong sạch, vững mạnh phù hợp với thực tiễn tỉnh Bình Phước để góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. (4) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kiến thức cho các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (5) Làm tốt công tác khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo”; đặc biệt là các điển hình mới thoát nghèo, làm giàu chính đáng trong đồng bào dân tộc thiểu số.


 Hưởng ứng Tuần lễ trồng cây đời đời nhớ ơn Bác do tỉnh Bình Phước phát động
đồng chí Thào Xuân Sùng và đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước
trồng cây tại
khu rừng của Công ty CP Vĩnh Phúc (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước)

Bình Phước là tỉnh miền núi của khu vực Đông Nam bộ, có hơn 260km đường biên giới với Campuchia. Toàn tỉnh có 41 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 20% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc: S’Tiêng, Khmer, Mnông, Tày, Nùng, Hoa.... Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh đã quán triệt và tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, qua đó góp phần quan trọng vào đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trong tỉnh.

Đến nay đã có 33/43 xã thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn hơn 7 nghìn hộ nghèo, tuy nhiên số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, chiếm 48% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Công tác xây dựng đời sống văn hóa, các dự án bảo tồn, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm tăng cường. Giáo dục - đào tạo, y tế từ tỉnh đến cơ sở được phát triển và củng cố. Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên được kiện toàn; đã có 1.989 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 6,7% số đảng viên toàn tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, phối hợp với các cấp chính quyền và các ban, ngành xây dựng và triển khai các chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng...

Tin và ảnh: Phan Thanh
 
 

 
 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất