Ngày 15/6, đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương do đồng chí Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình về việc triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí lãnh đạo Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước - Ban Dân vận Trung ương, Vụ Tổng hợp - Bộ Nội vụ. Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Hòa Bình có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Sau gần 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TW, công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước đã đạt được một số kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện Kết luận số 114-KL/TW. Nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị đã rõ nét hơn. Thông qua việc thực hiện công tác dân vận, Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
|
Đồng chí Trần Đăng Ninh phát biểu tại buổi làm việc
|
Tại hội nghị, sau khi nghe báo cáo về việc thực hiện Kết luận 114-KL/TW của tỉnh Hòa Bình, thành viên đoàn công tác và các đại biểu đã tập trung phân tích và làm rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, những việc làm tốt và một số hạn chế trong công tác dân vận của chính quyền ở địa phương thời gian qua. Cùng với những thành tích đã đạt được trong các công tác cải cách hành chính, công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, giải quyết khiếu nại tố cáo, giải phóng mặt bằng..., công tác dân vận của các cơ quan nhà nước vẫn còn một số tồn tại như việc thực hiện Quy chế dân chủ ở một số nơi chưa thật nghiêm túc, nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” chưa được chú trọng thực hiện; một số cán bộ trong các cơ quan nhà nước vẫn còn biểu hiện xa dân làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; việc nắm tình hình nhân dân có lúc có nơi chưa kịp thời; không ít kiến nghị chính đáng của nhân dân chưa được giải quyết…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh những kết quả nổi bật nhất trong việc thực hiện Kết luận số 114-KL/TW tại tỉnh Hòa Bình là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, sắp xếp bộ máy các cơ quan phù hợp với tình hình hoạt động thực tế, thực hiện nghiêm kỷ cương văn hóa công sở, phân công phân nhiệm rõ ràng tới từng chức danh lãnh đạo. Lãnh đạo, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước của tỉnh đã có sự chuyển biến rõ rệt trong công tác lãnh chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo “gần dân, sát dân”, phù hợp thực tế, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, không để xảy ra những vấn đề phức tạp liên quan đến khiếu kiện. Tỉnh cũng đã thực hiện nghiêm việc xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Về những kiến nghị, đồng chí Trần Đăng Ninh đề nghị Ban Dân vận Trung ương cần xây dựng tiêu chí đánh giá việc thực hiện công tác dân vận và quy chế dân chủ; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện sơ, tổng kết các văn bản về công tác dân vận.
|
Đồng chí Trần Thị Bích Thủy phát biểu kết luận buổi làm việc
|
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã ghi nhận những thành công trong công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp tỉnh Hòa Bình thời gian qua, đồng thời chỉ ra một số tồn tại trong việc thực hiện công tác dân vận tại tỉnh như việc ban hành văn bản cụ thể hóa nhiệm vụ công tác dân vận tại các cơ quan cấp sở, huyện còn hạn chế, ở một số nơi chỉ dừng lại ở mức lồng ghép, còn mang tính hình thức; hoạt động phản biện, giám sát theo Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị còn hạn chế, nhận thức về công tác dân vận của một số cán bộ cấp ủy, địa phương, sở, ngành chưa được đầy đủ...
Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Trần Thị Bích Thủy đề nghị: Tỉnh Hòa Bình cần quan tâm tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động về ya nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân vận. Hệ thống chính trị phải làm tốt công tác nắm tình hình; tập trung làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân. Chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch, có biện pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh. Quan tâm chú trọng thực hiện các văn bản, chỉ thị... của Đảng và Nhà nước liên quan công tác dân vận, đặc biệt là thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Chỉ thị 16/CT-TTg về "Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới"... Đồng chí cũng đề nghị tỉnh quan tâm xây dựng, nhân rộng các điển hình, mô hình "Dân vận khéo" trong các cơ quan nhà nước, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác phối hợp; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ chính quyền phụ trách và liên quan đến công tác dân vận.
Trước đó, trong các ngày 13 và 14/6, đoàn công tác đã khảo sát việc thực hiện Kết luận 114-KL/TW tại huyện Kỳ Sơn, Sở Giao thông - Vận tải và Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình./.
Tin và ảnh: Hoàng Phong