Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng về công tác dân vận, tỉnh Thái Nguyên triển khai đồng bộ công tác dân vận gắn liền thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, coi trọng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, bảo đảm mọi hoạt động của cấp ủy, chính quyền là để phục vụ lợi ích của nhân dân ngày càng hiệu quả.
|
Người dân giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính
của UBND phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên
|
Kỷ cương và trách nhiệm
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Quá trình này, tỉnh xây dựng, ban hành, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Cải cách hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc cho biết, Thái Nguyên coi trọng sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định phù hợp, sát với thực tiễn cuộc sống; góp phần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành chính quyền các cấp.
Các cấp ủy coi trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, về đạo đức công vụ, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh.
Gắn liền với đó, MTTQ các cấp đã tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, giúp cấp ủy chính quyền kịp thời phát hiện những “lỗ hổng”, khuyết điểm, yếu kém để sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định phù hợp, sát với thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân. Các đoàn thể có chương trình, kế hoạch theo dõi giám sát quá trình này ở tất cả các lĩnh vực, các nội dung, các khâu đến trách nhiệm của đội ngũ “công bộc” của dân ở các ngành, các cấp trong toàn tỉnh. Thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” các cơ quan, đơn vị kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức nhà nước quan liêu, tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho nhân dân.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tổ chức rà soát, triển khai thực hiện 171 thủ tục hành chính (TTHC) liên thông đối với một số lĩnh vực như: Đất đai, chính sách xã hội; xác nhận lý lịch tư pháp, lĩnh vực đầu tư, chính sách xã hội, đăng ký kinh doanh, xây dựng, thuế, cấp dấu... liên thông các thủ tục hành chính từ cấp xã lên cấp tỉnh.
Hiện nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các cơ quan hành chính đạt hơn 99%. Thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, toàn tỉnh có 19 trên tổng số 20 sở, ban, ngành và 100% số UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, toàn bộ đơn vị cấp huyện được đầu tư một cửa hiện đại, toàn bộ 180 xã, phường, thị trấn áp dụng một cửa điện tử. Tỉnh Thái Nguyên được Trung ương đánh giá có những cải thiện vượt bậc về chỉ số cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và sự hài lòng của người dân. Chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên nhiều năm đứng trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước. Cải cách thủ tục hành chính ở Thái Nguyên cho đến nay luôn được đánh giá là khâu đột phá, mang lại những hiệu quả lớn trong thu hút các nhà đầu tư, đạt bước tiến dài trong quá trình phát triển kinh tế.
Gần dân, lo cho dân
Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống cho nhân dân, tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá để phát huy tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực sẵn có, nhất là tăng cường thu hút đầu tư để phát triển kinh tế. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo vấn đề giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Dương Xuân Hùng cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định cụ thể nhằm tăng cường công tác dân vận gắn với công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững; miễn, giảm học phí và chi phí đào tạo cho con em thuộc diện hộ nghèo; triển khai chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, hai năm qua, toàn tỉnh có 9.591 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền cho vay hơn 300 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh. Kinh nghiệm tốt của Thái Nguyên là nhân rộng các mô hình giảm nghèo, giúp người nghèo biết được các cách làm hay, hiệu quả để cùng vươn lên thoát nghèo; tăng cường giám sát, đánh giá bảo đảm cho Chương trình giảm nghèo hướng mạnh vào mục tiêu, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo.
Song hành cùng phát triển kinh tế, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn được tỉnh triển khai đồng bộ, kịp thời, đạt hiệu quả. Đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đã hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng gần 50 tỷ đồng đối với 213 công trình; 1,679 tỷ đồng phục vụ công tác duy tu bảo dưỡng 70 công trình...
Các ngành, các địa phương của tỉnh tích cực, chủ động kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn để có kế hoạch hợp tác, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là vận động, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp về các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyển dụng lao động. Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn như Công ty Samsung, Công ty TNG đã ưu tiên tuyển dụng lao động người địa phương, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo. Năm 2018, có 426 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở với kinh phí gần 11 tỷ đồng. Năm 2019, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 17 nghìn lao động, trong đó có hàng nghìn lao động thuộc hộ nghèo. Hằng năm, tỉnh trợ cấp thường xuyên cho gần 37 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng.
Trong “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2019”, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã phối hợp các huyện, thành phố, thị xã tổ chức trao, tặng quà các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đại Từ Nguyễn Xuân Quang chia sẻ, cùng với nỗ lực chung toàn tỉnh, hộ nghèo của huyện Đại Từ đầu nhiệm kỳ còn 18% nay hạ xuống còn 6,4%. Nhiều năm qua tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thái Nguyên giảm bình quân 2%/năm, từ 13,4% năm 2015 đến hết năm 2019 giảm còn 4,63%.
Thông qua thực hiện công tác dân vận, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên có nhiều đổi mới, giữ vững nền nếp kỷ cương và tác phong công tác, tăng cường đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, tỉnh nâng cao vai trò lãnh đạo, hiệu lực quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của nhân dân. Đây cũng chính là quá trình phát huy nội lực của tỉnh trong quá trình phát triển với nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
(nhandan.com.vn)