Thứ Tư, 24/4/2024
Bình Định: Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Bà Nguyễn Thị Phong Vũ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định tặng Giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2019.

 

Triển khai sâu rộng

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định Nguyễn Thị Phong Vũ cho biết: “Phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua ở tỉnh Bình Định đạt được hiệu quả thiết thực là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội. Phong trào đã gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương. Các địa phương, đơn vị đã chủ động, sáng tạo trong việc lựa chọn, xây dựng, thực hiện mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị”.

Dựa trên tình hình thực tiễn của tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa các văn bản của Đảng, của Ban Dân vận Trung ương liên quan đến công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” thành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện.

Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa, xây dựng, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; chú trọng những cách làm hay, các mô hình mới có hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch cụ thể, gắn việc thực hiện công tác dân vận với việc xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”; đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo; chọn mô hình, nội dung cụ thể, sát với tình hình thực tiễn địa phương và đối tượng tham gia. Một số cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và các lực lượng vũ trang từ tỉnh đến xã đã chủ động ký kết, duy trì triển khai thực hiện các quy chế, chương trình phối hợp, liên tịch với ban dân vận cấp ủy, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp trong triển khai thực hiện công tác dân vận, năm dân vận chính quyền gắn với xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”.

Theo bà Nguyễn Thị Phong Vũ, công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua được tăng cường; hằng năm lồng ghép tổ chức sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện phong trào, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo để phong trào ngày càng lan tỏa, hiệu quả thiết thực.

Nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Trượng, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định, cho hay phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở địa phương trong thời gian qua đã đạt được những kết quả thiết thực, quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký, thực hiện có hiệu quả 6.025 mô hình “Dân vận khéo”, nhiều  mô hình đã có sự lan tỏa, tác động tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.


Nhờ làm công tác dân vận khéo mà Bình Định mà địa phương trên địa bàn tỉnh đã về đích xây dựng nông thôn mới.

 

Trên lĩnh vực kinh tế, toàn tỉnh có 2.464 mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả. Các mô hình dân vận khéo điển hình như: “Lao động sáng tạo của công nhân, viên chức, lao động” của Công ty Pisico Bình Định, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định, Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn; mô hình “Tổ quản lý rau sạch VietGap” của HTXNN xã Phước Hiệp (Tuy Phước); mô hình vận động đồng bào dân tộc thiểu số huyện An Lão trồng lúa lai, không chỉ đảm bảo đủ lương thực mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình “Dân vận khéo” về xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng đô thị, nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có 2.197 mô hình “Dân vận khéo” đem lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như: “Nâng bước em tới trường” của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” của Bộ CHQS tỉnh; “Kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số” của CA tỉnh và nhiều mô hình của các hội, đoàn thể đã thực sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống hằng ngày.

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, có 1.275 mô hình “Dân vận khéo”. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, như: “3 không” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, “Vì bình yên bản làng”, “Tiếng loa trong đêm”, “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, “Khu dân cư, họ đạo, dòng tộc không có tội phạm và tệ nạn xã hội” của ngành CA. Mô hình vận động già làng, người uy tín tham gia giữ gìn ANTT của các huyện miền núi. Mô hình vận động nhân dân “Giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, “Hành nghề trên biển không xâm phạm lãnh hải nước ngoài”, “Phòng, chống vi phạm pháp luật trên biển”, “Tổ tàu thuyền an toàn” của BĐBP tỉnh. Mô hình “Tổ tự quản về an ninh trật tự”, “Đoạn đường tự quản về an ninh trật tự”… của các hội, đoàn thể.

Ngoài ra còn có 89 mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị. Điển hình như: “Đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với một số loại hình dịch vụ hành chính công, dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Bình Định”; “Xây dựng chính quyền cấp xã vững mạnh toàn diện”; “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội” của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Nguyễn Phúc

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất