Thứ Ba, 26/11/2024
Những đổi thay ở Quảng Trực hôm nay
 
Bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: bienphong.com.vn


Từ năm 1991 về trước, xã Quảng Trực chỉ có đồng bào DTTS M’Nông sinh sống. Từ năm 1992 do nhu cầu cuộc sống, các dân tộc từ các nơi về sinh sống tại địa bàn xã khá đông. Từ năm 2000 trở lại đây, chủ yếu là các dân tộc từ phía bắc di cư tự do, lập nghiệp và sinh sống. Hiện tại trên đại bàn xã có 17 DTTS sinh sống gồm: M’Nông, Ê Đê, Tày, Nùng, Dao, Mường, Thái, Thổ, Hoa, Sán Dìu, Pa Dí, Cao lan, Khơ Me, H’ Rê, Xê Đăng, S Tiêng… Các DTTS đều có những phong tục, tập tục khác nhau, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, các dân tộc sinh sống đoàn kết, hòa thuận, tôn trọng các phong tục, tập tục của nhau.

Những năm trước đây các tập tục lạc hậu của đồng bào DTTS hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống của bà con như du canh, du cư; cưới xin cận huyết thống do muốn giữ lại những tài sản quý do gia đình và dòng họ để lại; tục cúng ma khi ốm đau, bệnh tật, sinh đẻ…

Thực hiện chủ trương đưa cán bộ về tăng cường cho các xã khó khăn, giáp biên giới nhằm góp phần xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng tổ chức đảng và trực tiếp làm công tác dân vận, tập trung vào việc giúp dân thay đổi những tập tục lạc hậu, hướng dẫn người dân thay đổi thói quen canh tác, góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân, năm 2004, đồn biên phòng đóng trên địa bàn đã cử 01 đồng chí tăng cường về làm phó bí thư đảng ủy xã, trực tiếp làm trưởng khối dân vận để cùng với chính quyền địa phương vận động nhân dân cùng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, xây dựng và phát triển kinh tế trên địa bàn xã.

Với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ biên phòng tăng cường đã tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo cả hệ thống chính trị, cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tập tục lạc hậu từ đó làm cơ sở để định hướng cho bà con phát triển kinh tế hộ gia đình.

Để hiện thực hoá các chủ trương, chính sách, cấp ủy địa phương đã ban hành nghị quyết chuyên đề để tuyên truyền vận động nhân dân; trực tiếp phân công 01 đồng chí phó bí thư đảng ủy làm trưởng khối dân vận, MTTQ và các đoàn thể là thành viên.  Với phương pháp công tác dân vận: nói đi đôi với làm, cầm tay chỉ việc, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con; vận động cán bộ, đảng viên thực hiện trước làm gương cho quần chúng; tranh thủ người có uy tín, các già làng, trưởng dòng họ, các chức sắc tôn giáo, cầm tay, chỉ việc, người biết nhiều chỉ cho người biết ít... đồn biên phòng trên địa bàn tham gia sinh hoạt tại các thôn, bon giúp tham mưu chính về thủ tục hành chính của Đảng; hướng dẫn nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Bắt đầu từ việc thay đổi thói quen sử dụng nước suối chưa hợp vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe, bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn đã phối hợp cùng giúp dân đào giếng, hướng dẫn cách sử dụng nước mưa, đồng thời kết hợp nguồn nước giếng khoan để sinh hoạt; cách tiết kiệm và sử dụng nước hiệu quả... Hiện tại có trên 75% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh

Đồng thời, tham mưu triển khai thực hiện các dự án chăn nuôi bò. Ban đầu cấp 2 con bò cho mỗi hộ dân thuộc diện hộ nghèo, khó khăn. Đến nay, nhiều hộ đã phát triển số bò lên đến 11 - 12 con, nâng tổng số bò toàn xã lên trên 1.000 con.

Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu, cấp  ủy chỉ  đạo khối dân vận, Mặt trận, đoàn thể và các cơ quan khối chính quyền tuyên truyền, vận động bà con sử dụng nương  rẫy để trồng cây cà phê, tiêu, điều  và gần đây là cây mắc ca. Với phương châm mưa dầm thấm lâu, cầm tay chỉ việc nên từng bước người dân đã nhận thức và chuyển đổi có hiệu quả cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, trình độ canh tác. Hiện tại mỗi hộ dân người dân tộc M’Nông có ít nhất là trên 01 ha cà phê, 2 - 3 sào lúa nước, ngoài ra còn tiêu, điều, măc ca… cho thu nhập khá ổn định (có những hộ thu nhập trên 200 triệu đồng hàng năm).

Hiện nay, trên địa bàn xã nhà cửa được xây dựng cơ bản, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có trên 70% các hộ có nhà vệ sinh, trâu, bò, heo có chuồng trại, người chết không để quá lâu, có quan tài và được chôn cất đúng khu vực…

Từ những việc làm thiết thực trên, trong những năm qua trên địa bàn xã về tình hình quốc phòng - an ninh được giữ vững, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống của nhân dân các dân tộc ngày càng được nâng lên. Công tác phát triển đảng viên hàng năm cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch; công tác đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị được quan tâm, năng lực thực tiễn của cán bộ cơ sở từng bước được nâng lên cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; công tác cán bộ, nhất là cán bộ người đồng bào dân tộc được chú trọng. Đến nay, toàn Đảng bộ có 18 chi bộ trực thuộc, với 146 đảng viên. Công tác dân vận được phát huy, đã góp phần quan trọng vào việc củng cố đoàn kết, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Hồng Lam Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối dân vận cho biết, tổng diện tích gieo trồng của toàn xã trong năm 2017 đạt 4.186,5 ha; trong đó: cây hàng năm là 1.454,7 ha, gồm một số cây trồng chính như: lúa, ngô, khoai, sắn và cây thực phẩm; cây lâu năm đạt 2.731,8 ha, gồm một số loại cây trồng chính như: cây cà phê, hồ tiêu, cây mắc ca, cây ăn quả....

Diện tích rừng do UBND xã trực tiếp quản lý 363 ha, trong đó đã giao rừng cho 5 nhóm hộ QLBVR được 300,2 ha; rừng phòng hộ Thác Mơ giao khoán 3.451 ha rừng cho đồng bào dân tộc tại chỗ quản lý và bảo vệ. Tình hình chăn nuôi phát triển, dịch bệnh được phòng chống tốt. Hiện nay, tổng đàn gia súc 2.256 con; gia cầm 6.817 con.

Mạng lưới giáo dục phát triển đến khắp các bon; cơ sở vật chất trường học ổn định, chất lượng giáo dục đào tạo được nâng cao, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt trên 98%. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư thực hiện có hiệu quả. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, mạng lưới y tế cơ sở được mở rộng; công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm; các chương trình và chính sách của Đảng, Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã được triển khai thực hiện nghiêm túc; dự án ổn định dân cư biên giới xã Quảng Trực được đầu tư cơ bản hoàn thiện, đến nay đời sống của dân cư trong vùng dự án cơ bản ổn định. Tỷ lệ bon có điện lưới quốc gia trên 95,6%, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 76,3%; 100% bon có nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 2,62%. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn khá cao chiếm 68,38% (do xét theo tiêu chí mới - nghèo đa chiều).

Là xã được chọn làm xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Nông, khi bắt đầu thực hiện Chương trình NTM thì xã Quảng Trực mới đạt 1 tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất. Sau 5 năm thực hiện phòng trào xây dựng nông thôn mới, đến nay, hầu hết người dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng việc xây dựng nông thôn mới và xã đã hoàn thành 9/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí còn lại tập trung ở những tiêu chí cần có sự đầu tư của Nhà nước là chủ yếu.

Có thể nói, ở Quảng Trực từ việc nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ các phong tục tốt đẹp của mỗi dân tộc, đồng thời hạn chế và đi đến xóa bỏ các tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào DTTS, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, phát huy vai trò của khối dân vận, MTTQ, các đoàn thể, tổ hòa giải ở các bon, đặc biệt là vai trò của già làng, trưởng dòng họ trong công tác tuyên truyền, vận động, hòa giải… Hàng năm thông qua nghị quyết, đảng ủy xã đã chỉ đạo khối dân vận cùng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, với phương châm mưa dầm thấm lâu, cán bộ đảng viên thực hiện trước để làm gương cho quần chúng nhân dân noi theo. Người dân từng bước định cư và định canh để từ đó góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, hạn chế được bệnh tật, dần loại bỏ các hủ tục, con em được đến trường, không vi phạm lâm luật… Ngoài ra, công tác đối ngoại nhân dân với 02 xã Đắk Đam và Senmônôrum thuộc huyện Ôrăng, tỉnh Mundulkiry, Vương quốc Campuchia được thường xuyên duy trì; tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, phòng chống tội phạm tuyến biên giới./.

Ngô Thu Hoài

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi