Thứ Tư, 1/1/2025
Thừa Thiên-Huế: Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân

 Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại hội nghị

Tham dự có các ông: Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; hơn 500 cán bộ chủ chốt thuộc các chức danh: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND và Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn.

Nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền cơ sở

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu được nghe các báo cáo về: Thực trạng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ cấp xã; tình hình thực hiện chương trình phát triển nông thôn mới và giải pháp thực hiện trong thời gian đến; tình hình thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và giải pháp thực hiện trong thời gian đến.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, chính quyền cơ sở của tỉnh bao gồm 105 xã, 39 phường, 8 thị trấn, với 3.355 cán bộ, công chức (CBCC). Ngoài ra, có hệ thống tự quản của cộng đồng dân cư gồm 724 thôn và 553 tổ dân phố, với 10.570 cán bộ không chuyên trách. Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bộ máy chính quyền cơ sở đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở, trực tiếp giải quyết công việc của Nhân dân, gắn bó mật thiết với đời sống Nhân dân, góp phần tích cực và trực tiếp vào việc thúc đẩy phát triển KT-XH, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của địa phương.

Đội ngũ CBCC có sự phát triển về số lượng và chất lượng, số lượng cán bộ trẻ được đào tạo tăng lên. Cán bộ cấp xã 1.597 người, trong đó trình độ chuyên môn đại học chiếm 59,1%, cao đẳng 2,2%; trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên chiếm 83,5%. Công chức cấp xã 1.759 người, trong đó trình độ chuyên môn đại học chiếm 67,5%, cao đẳng 6,8%; trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên chiếm 42,6%. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được chính quyền địa phương thực hiện khá nghiêm túc; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về giờ giấc làm việc, tinh thần trách nhiệm của CBCC được nâng lên. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đáng chú ý, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở cấp xã đã khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh; giảm bớt phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Bạch Chơn Đông, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, cần nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền cơ sở. Theo đó, tiếp tục xây dựng chính quyền cấp xã trong sạch vững mạnh toàn diện, đổi mới, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, đoàn kết, hành động, kỷ cương, liêm chính; xây dựng chính quyền “kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân”; đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở; đổi mới phương thức, lề lối làm việc, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và tin học hóa hoạt động, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo. Đồng thời, xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực hệ thống chính trị cơ sở

Tại hội nghị, đã có 13 ý kiến đóng góp của các đại biểu đến từ chính quyền cơ sở. Các ý kiến đề xuất lãnh đạo tỉnh quan tâm đến việc giao đất giao rừng cho một bộ phận người dân vùng gò đồi nhằm có đất sản xuất, nâng cao thu nhập; giải quyết việc làm cho lực lượng trưởng công an xã sau khi có chủ trương đưa công an chính quy về làm trưởng công an xã; nâng cao năng lực và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp xã; cần có biên chế cán bộ văn phòng đảng ủy xã; tập huấn, nâng cao năng lực cho thanh tra nhân dân xã…  Điều hành phiên đóng góp ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, những ý kiến đóng góp của cán bộ chủ chốt cấp xã là rất xác đáng, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm tháo gỡ. Đồng thời nhấn mạnh, có lẽ đây là lần đầu lãnh đạo tỉnh gặp mặt cán bộ chủ chốt cấp xã nên vẫn chưa có sự chuẩn bị tốt nhằm hiến kế cho tỉnh những giải pháp căn cơ, có tính chiến lược, đột phá trong sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hệ thống chính quyền cơ sở. Tỉnh rất mong muốn nhận được nhiều ý kiến có chất lượng hơn trong những lần gặp gỡ tiếp theo hoặc phản ánh qua thư điện tử, website…

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống chính trị ở xã, phường- nơi trực tiếp triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước đến người dân. Khẳng định, yêu cầu đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng ở xã, phường trong tình hình hiện nay rất cấp bách. “Mục tiêu hôm nay của chúng ta là làm sao xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, có đội ngũ cán bộ gần dân, phục vụ dân”. Do đó, cần bám sát lại các văn bản của Trung ương, của tỉnh để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đào tạo, quy hoạch cán bộ và chú trọng đến luân chuyển cán bộ, áp dụng người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương. Bên cạnh đó, chú trọng đến tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, người đứng đầu. Mỗi người cần phải tự kiểm điểm để làm tốt hơn chức trách của mình. Thực hiện công khai minh bạch trong quản lý ở địa phương và có sự giám sát của Nhân dân nhằm tránh sai phạm.  

Báo cáo của Sở LĐTB&XH, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 8,36% cuối năm 2015 xuống còn 7,19% cuối năm 2016 và 5,98% vào cuối năm 2017, tương ứng với giảm 2,38% với gần 6.000 hộ giảm nghèo. Tuy nhiên, việc có 338 hộ tái nghèo và 1.993 hộ nghèo phát sinh cho thấy số hộ nghèo có giảm nhưng tính bền vững chưa cao. Hiện toàn tỉnh có 17.662 hộ nghèo (5,98%) và 15.429 hộ cận nghèo (5,22%).

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, hội nghị giữa Thường trực Tỉnh ủy với cán bộ chủ chốt cấp xã để cùng hướng đến mục tiêu thống nhất về quan điểm, tư tưởng hành động trong toàn hệ thống chính trị; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền đối với việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò MTTQ và các đoàn thể nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cán bộ chủ chốt cấp xã tiếp tục tập trung đổi mới để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy vai trò của HĐND xã trong việc giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò của UBND cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ mà nghị quyết của Đảng ủy, HĐND cấp xã đã thông qua. Việc xây dựng đội ngũ công chức cấp xã trong thời gian tới cũng cần được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp thông qua kiện toàn bộ máy tốt hơn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, cần phải làm việc theo kế hoạch, giải quyết công việc theo quy trình, điều hành công việc theo quy chế để tiến tới xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở chuyên nghiệp, thực hiện vai trò, nhiệm vụ thân thiện, hành động, hiện đại, hiệu quả. Cần nâng cao năng lực cán bộ trong quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc. Phát huy vai trò người đứng đầu trong tất cả các công việc, đẩy mạnh cải cách hành chính để làm sao bộ máy cấp xã ngày càng năng động, cán bộ cấp xã thực sự là công bộc của dân, thực sự là cầu nối giữa chính quyền với tổ chức Đảng, với người dân.

“Cuối cùng, mục tiêu xuyên suốt vẫn là tập trung tạo việc làm, cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân theo hướng 'ly nông bất ly hương', đảm bảo an ninh ở cơ sở”- ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.  

Thái Bình/Báo Thừa Thiên – Huế điện tử

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất