Thứ Sáu, 22/11/2024
Triển khai chương trình vệ sinh và nước sạch nông thôn năm 2020 tại Lạng Sơn

 Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh
phát biểu tại hội nghị



Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới được thực hiện tại các xã nông thôn trên địa bàn tỉnh, gồm 3 hợp phần: cấp nước nông thôn (gồm cấp nước cho cộng đồng dân cư; cấp nước và vệ sinh trường học); vệ sinh nông thôn (gồm hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng công trình cấp nước và nhà vệ sinh trạm y tế xã); nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá chương trình.

Thực hiện chương trình, năm 2019, trong hợp phần 1, cơ quan chức năng bàn giao và đưa vào hoạt động 5 công trình cấp nước cho cộng đồng dân cư, đang triển khai thi công 5 công trình và chuẩn bị đầu tư 8 công trình; đầu tư xây dựng 12 công trình vệ sinh trường học. Đối với hợp phần 2, đã đầu tư xây dựng 14 công trình cấp nước và nhà vệ sinh trạm y tế xã; hỗ trợ 509 gia đình  xây nhà tiêu hợp vệ sinh; 5/15 xã đạt vệ sinh toàn xã. Đối với hợp phần 3, các ngành, các đơn vị đã phối hợp, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ và tuyên truyền viên tham gia chương trình.

Theo kế hoạch năm 2020, chương trình được thực hiện với tổng vốn đầu tư 104 tỷ đồng. Qua đó, phấn đấu hoàn thành, bàn giao 9 công trình; triển khai thi công 14  công trình cấp nước nông thôn; xây dựng cải tạo 66 công trình cấp nước và nhà vệ sinh trường học; đưa 10 xã đạt vệ sinh toàn xã; xây dựng 33 công trình nước sạch và nhà vệ sinh trạm y tế xã; hỗ trợ xây dựng 1.000 nhà tiêu hợp vệ sinh gia đình.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ ra những hạn chế trong quá trình triển khai chương trình như: giải ngân nguồn vốn còn chậm; công tác tuyên truyền đến người dân còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện chương trình giữa các cấp, ngành chưa chặt chẽ…

hát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh nhấn mạnh: Đây là chương trình có ý nghĩa lớn đối với người dân vùng nông thôn và các trường học, trạm y tế trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, các cấp ngành đã nỗ lực triển khai thực hiện. Tuy vậy, còn hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, công tác phối hợp giữa các đơn vị, việc giải ngân vốn chậm, chưa đạt kế hoạch.

Để nâng cao hiệu quả chương trình, đồng chí yêu cầu: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban điều hành chương trình, nhất là của cơ quan thường trực là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Giao Sở NN&PTNT soạn thảo dự thảo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện chương trình, dự thảo quyết định bổ sung thành viên Ban điều hành chương trình gồm cả các đồng chí là Chủ tịch UBND các huyện và phải hoàn thành trước ngày 5/4/2020.

Đồng thời, Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình năm 2020, trong đó xác định rõ lộ trình thực hiện danh mục theo từng tháng, quý. Các chủ thể trực tiếp tham gia triển khai chương trình phải thực hiện xong công tác chuẩn bị đầu tư trong tháng 5/2020; tập trung triển khai các dự án trong trường học, trạm y tế, các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền đến người dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình, đổi mới hình thức tập huấn.

Duy Phương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi