Lào Cai là một tỉnh miền núi phía Bắc, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Điều kiện vệ sinh môi trường còn kém, nhận thức của người dân đối với vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đặc biệt là việc xây dựng sử dụng bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh còn chưa cao, thói quen không rửa tay thường xuyên với xà phòng còn phổ biến.
|
Điểm rửa tay với xà phòng tại Trường tiểu học xã Cam Đường |
Theo kết quả thẩm định năm 2018, tỉnh Lào Cai có 3 xã Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung (huyện Văn Bàn) và xã Mường Vi (huyện Bát Xát) đạt vệ sinh toàn xã cho cả tiêu chí hộ gia đình và công trình công cộng.
Sau nhiều nỗ lực để đạt xã vệ sinh toàn xã, Lào Cai luôn xác định việc đạt tiêu chí này không chỉ kết thúc ở việc hoàn thành các tiêu chí theo quy định mà cần tiếp tục thực hiện những kết quả đạt được.
Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường dựa trên kết quả, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, mang lại một bộ mặt mới cho khu vực nông thôn và và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều kiện vệ sinh đã được thay đổi căn bản, thói quen và hành vi vệ sinh được thay đổi rõ rệt.
Ban chỉ đạo Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” tỉnh cho biết, mặc dù năm 2018 có 5 xã là Mường Vi (huyện Bát Xát), Lương Sơn (huyện Bảo Yên), Khánh Yên Hạ, Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung (huyện Văn Bàn) đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã đối với hộ gia đình nhưng chỉ có 3 xã được công nhận xã vệ sinh toàn xã. Hai xã còn lại chưa được công nhận xã vệ sinh toàn xã do tiêu chí vệ sinh trường học và tỉ lệ học sinh/hố tiêu/ca học chưa đạt yêu cầu.
Theo quy định của Chương trình, xã đạt vệ sinh toàn xã phải đạt các chỉ tiêu: 100% trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở công lập, 100% trung tâm y tế có các công trình nước sạch và vệ sinh, rửa tay đang sử dụng được, ít nhất 70% hộ gia đình có một nhà tiêu cải thiện và ít nhất 80% hộ gia đình có một điểm rửa tay (cố định) riêng, có xà phòng. Do vậy, đối với tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Lào Cai, việc duy trì tiêu chí là một thách thức không nhỏ.
Việc được công nhận đạt tiêu chí mới chỉ là bước khởi đầu trong thực hiện Chương trình. Vấn đề quan trọng hơn là phải giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đó. Do đó, để giữ vững các tiêu chí đã đạt được trong Chương trình, thiết nghĩ, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là các xã cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong bà con về việc giữ vững các tiêu chí, trong đó đội ngũ cán bộ y tế xã, cán bộ chính quyền xã phải gương mẫu đi đầu, nói và thực hiện thì bà con sẽ làm theo. Với đặc thù điều kiện địa lý dân cư phân bố thưa thớt và có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống nên phương thức truyền thông trực tiếp sẽ là phương pháp thu được kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần ban hành các chính sách hỗ trợ, kết hợp với những giải pháp phù hợp nhằm duy trì bền vững các tiêu chí trong Chương trình, cụ thể là tăng cường sự phối hợp quản lý giữa ngành y tế và ngành giáo dục để đầu tư cho các công trình vệ sinh trường học, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục vệ sinh cho giáo viên và các em học sinh. Đây cũng sẽ là căn cứ, động lực để các xã đạt xã vệ sinh toàn xã duy trì và quyết tâm giữ vững các tiêu chí đã đạt được.
Nguyễn Lan