Thứ Sáu, 22/11/2024
Phong trào vệ sinh yêu nước – những kết quả đạt được

Từ khi phát động, phong trào đã được triển khai sâu rộng tới tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước.Trong đó, Đắk Nông, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… là những địa phương đạt kết quả tốt trong việc nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Cùng với đó, cơ sở vật chất của các trạm y tế cũng được đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất. Chất lượng nhà tiêu của trạm y tế dần được cải thiện tại hầu hết các tỉnh.

Có thể thấy, những kết quả thu được từ phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” đã mang tới những hiệu quả ban đầu góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân. Phong trào đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức và thay đổi hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là tăng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh.


 Người dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) thực hiện xây nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh

Người dân tại các địa phương trong cả nước đã tích cực tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh với nhiều hình thức như: giữ gìn vệ sinh cá nhân; tham gia xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh nhằm phòng tránh tiêu chảy và bệnh tay chân miệng,…

Nhằm triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân,  năm 2018, Cục Quản lý môi trường y tế ban hành Công văn số 457/MT-SKHC gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo trung tâm y tế dự phòng/trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện tốt nội dung: Phát động và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân với chủ đề: “Sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Các hoạt động cụ thể hưởng ứng phong trào này, gồm: Tổ chức mít tinh phát động cộng đồng thường xuyên rửa tay với xà phòng, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Triển khai các hoạt động truyền thông tại cộng đồng tập trung vào các biện pháp tuyên truyền phòng chống dịch bệnh lây qua đường tiêu hóa, hô hấp..., trong đó chú trọng đến việc thường xuyên rửa tay với xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Treo băng rôn, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu với chủ đề “Sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần xây dựng nông thôn mới” tại nơi công cộng, tuyến đường chính, trụ sở cơ quan, nơi đông người qua lại. Triển khai các hoạt động truyền thông tại trường học về rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh, bảo quản và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh vào các hoạt động ngoại khóa, hoạt động đoàn - đội và các phong trào khác, tổ chức các đợt ra quân tổng vệ sinh trường học, nơi công cộng để giáo dục, nâng cao trách nhiệm của học sinh, giáo viên trong phòng chống dịch bệnh. Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh lây qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt biện pháp thường xuyên rửa tay với xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Ở một số địa phương đã thu được những tín hiệu tính cực trong việc thay đổi nhận thức của nhân dân về hành vi vệ sinh.

Tại Lào Cai, hoạt động này đã được triển khai lồng ghép với nhiều hoạt động cụ thể như: Kế hoạch triển khai phong trào vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 của UBND tỉnh; phong trào “Ba sạch, ba diệt”; phong trào “Ăn sạch, ở sạch”, “Sạch làng, sạch ngõ”, “Xây dựng 3 công trình vệ sinh” ở các hộ gia đình… Gần đây, trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nông thôn mới đều có các tiêu chí về vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại Phú Thọ, ngành Y tế tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông tại tại cộng đồng về rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo quản và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; Tổ chức các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường tại các cơ sở y tế, trường học, công sở, nơi công cộng để giáo dục, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong phòng chống dịch, bệnh... Đặc biệt, ngành Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh triển khai hiệu quả các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tính đến tháng 12 năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh là 68,43% và ở nông thôn là 64,13%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch là 93,52% và ở nông thôn là 92,24%; 97,48% trạm y tế xã có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh được quản lý và sử dụng tốt.

Tại Gia Lai,  Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phát động và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân theo hướng ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe như vận động người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay với xà phòng, thu gom rác thải ở cấp tỉnh, huyện, xã, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tổ chức các hoạt động vệ sinh thiết thực tại thôn, làng, tổ dân phố hàng tháng, phát động toàn dân tham gia làm tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, cơ quan trường học, nơi công cộng và nhà dân để tạo thói quen và nề nếp vệ sinh; xây dựng nếp sống vệ sinh gắn với phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, làng văn hóa sức khỏe, vận động nhân dân xây dựng công trình nhà tiêu, nhà tắm, công trình cấp nước. Tổ chức phổ biến hướng dẫn xử lý nước đơn giản, hiệu quả để nhân dân chủ động tự cải thiện nguồn nước khi gặp thiên tai lũ lụt. Hướng dẫn các biện pháp tiêu độc khử trùng, tiêu hủy gia súc gia cầm chết, tránh gây ô nhiễm và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái. Hướng dẫn việc cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân nông thôn, vận động người dân xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng trại chăn nuôi xa nhà, không sử dụng phân tươi để bón cây trồng và nuôi thủy sản, thực hiện tốt vệ sinh trong nông nghiệp, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn... 

Tại Tuyên Quang, hầu hết các xã điểm, thói quen vứt rác bừa bãi được hạn chế, việc xây dựng nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch cho sinh hoạt ở một bộ phận cư dân nông thôn trong các xã từng bước được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong tỉnh đạt khoảng 85%; 61% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (năm 2012 chỉ đạt 48%).

Mục tiêu đến năm 2021, phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” sẽ tiếp tục tăng cường sự tham gia phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác vệ sinh nâng cao sức khỏe của toàn dân, đưa phong trào lan tỏa rộng rãi và sẽ tạo được hiệu ứng tích cực

Thu Trang

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi