Thứ Tư, 24/4/2024
Nâng cao nhận thức người dân trong sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh

Tại Cao Bằng đã triển khai nhiều mô hình truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân nông thôn, tiêu biểu là mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ, trong đó chú trọng hoạt động vẽ bản đồ vệ sinh thôn bản. Theo đó, mỗi thôn sẽ xây dựng bản đồ vệ sinh của thôn và cập nhật sự thay đổi tình hình vệ sinh thôn hàng tháng. Bản đồ thôn sẽ được tuyên truyền viên sử dụng trong các buổi họp thôn chuyên về vệ sinh, lồng ghép trong các cuộc họp khác nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.


 Một buổi tuyên tuyên truyền về vệ sinh tại tỉnh Lai Châu 

Đối với Bắc Kạn, cấp xã được xác định là  cấp thực hiện cơ bản trong các chương trình Vệ sinh nông thôn, trong đó trạm y tế xã trở thành đơn vị tổ chức thực hiện vệ sinh nông thôn chủ chốt, tiên phong trong việc vận động người dân xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và thay đổi hành vi vệ sinh một cách bền vững. Cán bộ y tế xã là lực lượng tuyên truyền nòng cốt trong chương trình này, công tác truyền thông thực hiện bằng nhiều hình thức ở thôn bản trực tiếp đến với người dân.

Tại tỉnh Lai Châu, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức được triển khai đa dạng, thường xuyên, liên tục đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Điển hình như xã Mường So (huyện Phong Thổ), đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn của xã, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và thôn, bản tổ chức các hoạt động truyền thông về sự cần thiết phải sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và thay đổi hành vi vệ sinh một cách bền vững. Cán bộ thôn đến từng nhà tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.

Điện Biên là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp, do đó việc nâng cao nhận thức cho người dân được tỉnh chú trọng. Ngoài việc tuyên truyền, cung cấp kiến thức về về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh còn tổ chức ngày hội vệ sinh toàn xã đối với các xã thực hiện Chương trình. Trong ngày hội, người dân được trổ tài dưới hình thức thi vẽ tranh về vệ sinh môi trường. Hoạt động đã có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường trong nông thôn. Bên cạnh đó, cán bộ, chính quyền, tổ chức đoàn thể và những người có uy tín tại thôn, bản được tuyên truyền tầm quan trọng của vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân tại nông thôn; từ đó đưa ra những hành động thiết thực, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe.

Tiêu chí về vệ sinh môi trường dù đã được quan tâm triển khai, nhưng điều quan trọng nhất phải là nhận thức, ý thức của người dân từ bỏ thói quen lạc hậu. Chỉ khi người dân vùng nông thôn, miền núi khó khăn chuyển biến về nhận thức, coi công trình nhà tiêu hợp vệ sinh dù là “công trình phụ” nhưng lại không thể thiếu trong mọi gia đình. Mặt khác, các địa phương cũng cần tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nhằm thay đổi hành vi, tập quán, sinh hoạt của bà con. Có như vậy, việc hỗ trợ vùng nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số đảm bảo tiêu chí vệ sinh môi trường mới đạt hiệu quả. 

Hoàng Châu

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất