Thứ Năm, 18/4/2024
Sở Y tế Bắc Kạn chỉ đạo các đơn vị tích cực giảm thiểu chất thải nhựa ngành y tế

 Lãnh đạo Trung tâm y tế các huyện, thành phố ký cam kết thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa với Giám đốc Sở Y tế

Để giảm thiểu chất thải nhựa y tế, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa y tế. Theo đó, có 6 nội dung được ký cam kết  là: Giảm thiểu sử dụng những sản phẩm phát sinh chất thải nhựa tại đơn vị, sử dụng các vật dụng, thiết bị, vật tư làm từ vật liệu thân thiện môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh hay trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động khác tại đơn vị; đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị; thực hiện nghiêm túc việc phân loại triệt để chất thải nhựa, nilon khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; phổ biến, tập huấn, truyền thông, vận động người lao động tại đơn vị, người bệnh, khách đến liên hệ làm việc và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa; nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu chất thải nhựa trong các hoạt động y tế để đảm bảo an toàn cho người bệnh, cộng đồng và môi trường; bố trí đầy đủ kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung quy định về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Các cơ sở y tế thực hiện theo phương châm “Hạn chế phát sinh - phân loại đúng - thu gom đủ - tái sử dụng hợp lý - xử lý an toàn” và tuân thủ nguyên tắc: Giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế.

Trước mắt, Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo...

Đồng chí Nguyễn Đình Học, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong thời gian tới, các cơ sở y tế đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động của nội bộ đơn vị, là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng. Đồng thời, tăng cường tập huấn, vận động cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân và cộng đồng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế tối đa các sản phẩm nhựa dùng một lần...

Để hạn chế và nói không với rác thải nhựa, giảm thiểu lượng chất thải nhựa, vấn đề quan trọng nhất là thay đổi được nhận thức của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài, sẽ gặp nhiều khó khăn khi thay đổi thói quen, nhận thức và hành vi của nhiều người. Chính vì vậy các chủ trương, kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa cần được đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và nhân dân.

Đoàn Vượng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất