Chủ Nhật, 29/12/2024
Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân: Chuyện làm nhà vệ sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Xây nhà tiêu hợp vệ sinh cho bà con

Làng Ghép, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai hiện có 48 hộ dân là người dân tộc Mông. Điều kiện vệ sinh môi trường, nhận thức của người dân đối với vấn đề vệ sinh cá nhân còn hạn chế. Nhờ sự vận động tích cực của các cấp, các ngành, bà con trong làng đã nhận thức được vấn đề cần thiết phải có công trình vệ sinh. Nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, người dân không có nguồn lực để xây dựng, nhất là đối với những hộ nghèo và cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, đa số người dân nông thôn hiện nay chưa có thói quen rửa tay với xà phòng, việc phóng uế bừa bãi còn phổ biến tại nhiều nơi, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số. Vậy thì làm thế nào để đảm bảo mục tiêu của Chương trình về xây dựng nhà tiêu hộ gia đình, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, và rẻ tiền phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân? Thực hiện chủ trương và hướng dẫn của UBND xã Ya Hội và Hội phụ nữ xã, Hội phụ nữ làng và Ban ngành đoàn thể của làng đã gương mẫu đi đầu, cùng bà con thành lập các tổ để giúp công nhau làm nhà vệ sinh theo hình thức xoay vòng. Cứ thế, đến khi tất cả các hộ trong làng đều có nhà vệ sinh.

Anh Lý Mạnh Nguyên, Trưởng Làng Ghép, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ cho biết - “Do các ban ngành đoàn thể của làng cũng ít người, nên chúng tôi đã bàn bạc và vận động các hộ chưa có nhà vệ sinh đổi công nhau, cùng nhau làm. Xong 1 cái rồi thì tiếp tục làm cái khác. Đến nay đã có nhiều hộ đã sử dụng rồi. Còn 8 hộ thì trong tháng 8 là làm xong”.

Chị Hoàng Thị Mỵ, Làng Ghép, xã Ya Hội chia sẻ, khi chưa có nhà vệ sinh, việc sinh hoạt của gia đình chị rất khó khăn. Chưa bao giờ chị nghĩ đến việc mình có thể có một nhà vệ sinh tự hoại, vì chi phí phải bỏ ra tương đối lớn. Nhờ có Hội phụ nữ và các ban ngành đoàn thể trong thôn giúp đỡ mà chị đã có một nhà vệ sinh để sử dụng. Kinh phí xây dựng thì giảm được hơn một nửa. So với các hộ khác, gia đình chị làm nhà vệ sinh rộng hơn một chút để phục vụ cho việc tắm rửa luôn.

Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Ya Hội, Chị Triệu Thị Luyến, nói thêm - “Cứ hàng tháng, mỗi lần họp làng, hoặc sinh hoạt chi hội phụ nữ, chúng tôi đều cùng tham gia họp và vận động chị em. Nói cho chị em biết ý nghĩa, tầm quan trọng của nhà vệ sinh. Nhận thức được điều đó rồi, chị em tham gia rất tích cực. Hàng tháng, cứ theo từng làng là lên lịch, một tháng là 3 hộ hay 4 hộ gì đấy, là chị em cứ thế mà tham gia đổi công làm.”

Còn tại làng Hway, xã Hà Tam. Sau khi thống kê lại số hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Các ban ngành đoàn thể của xã đã cùng bàn bạc và góp tiền, để hỗ trợ các hộ mua vật liệu xây dựng. Sau đó, nhờ cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn công binh 7, Quân đoàn 3, giúp công để xây dựng nhà tiêu hộ vệ sinh cho các hộ. Trong vòng 1 tháng, đã tiến hành làm xong và bàn giao đưa vào sử dụng cho 19 hộ của làng. Cũng nhờ sự hỗ trợ của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 38, Sư đoàn bộ binh 2, tại xã Yang Bắc, đã có thêm 18 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh để sử dụng. Tính từ đầu năm đến nay, với cách làm đó, toàn huyện đã có 67 hộ chưa có nhà vệ sinh tiêu đã có nhà tiêu hợp vệ sinh để sử dụng. Nhờ đó đã góp phần cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người dân. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của huyện, thiết nghĩ cần nhiều hơn nữa sự chung tay của cộng đồng trong những việc dù rất nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, góp phần vào những thành công của huyện nhà.

Quang Toàn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác