Thứ Hai, 25/11/2024
Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân: Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm cuối năm

Trong 10 tháng năm 2018, số vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức cao, số tiền phạt các vi phạm liên quan đến lĩnh vực thực phẩm lên tới hơn 6 tỷ đồng. Cùng với việc xử phạt, hàng trăm cơ sở, công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm sai phạm nghiêm trọng cũng bị Cục An toàn thực phẩm ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh.

Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố đã tiến hành gần 154.000 cuộc thanh, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phát hiện hàng nghìn cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; xử lý hành chính hơn 14 tỷ đồng; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 3 tỷ đồng. Những con số trên minh chứng rõ nét về tình hình vi phạm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, dịp cuối năm, nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, thị trường cũng đẩy mạnh nguồn cung thực phẩm, và đây cũng là “cơ hội” để các sản phẩm nhập lậu gia tăng.

Theo cơ quan quản lý thị trường, nhiều vụ vận chuyển trở thực phẩm bẩn như nội tạng động vật cũng đã được phanh phui tại các tuyến đường biên giới. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trong quá trình vận chuyển, buôn bán thực phẩm vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Có trường hợp, hàng hóa vi phạm được ngụy dưới vỏ các loại hàng hợp pháp và trà trộn vào những loại hàng hóa khác để vận chuyển trên xe khách, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Theo cảnh báo của Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, hiện đã vào mùa cao điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Từ nay đến cuối năm, thị trường có thể biến động, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã bắt đầu có dấu hiệu diễn biến phức tạp, gia tăng.

Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian tới, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tăng cường tập trung thanh, kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và các lễ hội có yếu tố nguy cơ cao. Hy vọng với lực lượng thanh tra liên ngành hùng hậu của trung ương kết hợp với các lực lượng chuyên ngành của các địa phương, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết năm nay sẽ “giảm nhiệt” để mâm cỗ ngày xuân của người tiêu dùng được an toàn.

Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm vừa có Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn vệ sinh dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân 2019. Theo đó, từ ngày 10 - 25/1/2019, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra tại 12 tỉnh thành và kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý đến hết lễ hội Xuân năm 2019.

Nội dung kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết. Trong 6 đoàn kiểm tra liên ngành, Đoàn số 3 do Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, kiểm tra tại TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh; Đoàn số 4 do Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) chủ trì, kiểm tra tại Đồng Tháp và Tiền Giang. 

Thu Thủy

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác