Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra tỉnh Bình Thuận được thực hiện từ nguồn vốn Ngân hàng thế giới được triển khai thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố trong đó có tỉnh Bình Thuận. Mục tiêu của Dự án nhằm cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại các tỉnh tham gia dự án. Chương trình gồm 3 hợp phần, gồm: Cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá dự án.
Dự án Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra tại Bình Thuận thực hiện 05 công trình cấp nước (gồm 2 công trình thực hiện mới và 03 công trình nâng cấp), tổng số đấu nối dự kiến là 19.511, thời gian thực hiện từ năm 2016-2021.
Trong gần 03 năm triển khai thực hiện Chương trình, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: Nông Nghiệp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo và UBND các địa phương, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ dân số nông thôn toàn tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,96%, trong đó có 53% dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt QCVN 02:2009/BYT; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 85,25%; tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn toàn tỉnh có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh đạt 64,07%; tỷ lệ trường học khu vực nông thôn có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 80,40%; tỷ lệ trạm y tế khu vực nông thôn có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 81,73%.
Trong đó, hợp phần vệ sinh được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều nội dung như nhu cầu vệ sinh hộ gia đình, trạm y tế cần xây dựng cải tạo, tập huấn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu cho tuyến huyện, xã, triển khai các hoạt động truyền thông trên địa bàn tỉnh… Đến nay, hợp phần xây dựng, cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh đã triển khai 5 xã/3 huyện gồm: Sông Lũy, Hòa Thắng (Bắc Bình); Tân Thắng (Hàm Tân); Suối Kiết, Đức Thuận (Tánh Linh). Đối với hợp phần truyền thông giám sát, đánh giá thực hiện chương trình đã triển khai xã vệ sinh toàn xã tại các xã: Hòa Thắng (Bắc Bình); Tân Thắng (Hàm Tân); Đức Thuận (Tánh Linh) và Suối Kiết (Tánh Linh) xã chuyển tiếp năm 2017 do chưa đạt vệ sinh toàn xã. Với tiến độ thực hiện các hợp phần đạt nhiều kết quả tăng đáng kể như số hộ có nhà tiêu cải thiện, số hộ có điểm rửa tay tăng so với chỉ số đầu vào.
Ông Chế Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Trong năm 2018, các buổi tập huấn về truyền thông thay đổi hành vi và phát triển thị trường vệ sinh cho cán bộ xã và tuyên truyền viên được thực hiện, đơn vị đã thực hiện ký cam kết với những xã đăng ký đạt vệ sinh toàn xã”.
Theo số liệu báo cáo Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường , tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Bình Thuận có 85,25% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, 55,51% hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh; 81,73% trạm y tế nông thôn (trạm chính và phân trạm) có công trình cấp nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Số trường học ở khu vực nông thôn thiếu nước sạch còn nhiều 76,75%; trường học ở khu vực nông thôn có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh 84,46%.
Mục tiêu đề ra, chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra tỉnh Bình Thuận” mang lại số đấu nối cấp nước đạt 11.900, số xã tối thiểu đạt vệ sinh toàn xã10 xã, số công trình vệ sinh trạm y tế được xây mới và cải tạo 16 cái, số công trình vệ sinh trường học xây mới và cải tạo 28 cái, số công trình vệ sinh hộ gia đình xây mới và cải tạo 1.450 cái.
Phương Mai