Thứ Sáu, 22/11/2024
Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân: Mô hình “làng sức khỏe” ở vùng sâu
Tổ chức họp chợ tập trung để bảo vệ môi trường ở Đăk Hà.

Cùng nhau giữ sức khỏe

Theo Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà, huyện có dân số đông, chủ yếu là đồng bào DTTS. Trước đây tập quán còn lạc hậu, người dân còn chủ quan với các chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng, kể cả tiêm chủng. Thời gian gần đây, quyết tâm thay đổi tình trạng này nên ngành Y tế huyện Đăk Hà đã phối hợp với các xã, các thôn buôn triển khai đồng loạt các hoạt động truyền thông; Mô hình cộng đồng tự quản về vệ sinh, làng không khói thuốc, làng chống tai nạn thương tích, làng không ô nhiễm,… Tất cả các mô hình nhỏ này đều hướng tới xây dựng các làng sức khỏe trên địa bàn toàn huyện. Đăk Hà là một trong những huyện tiên phong ở Tây Nguyên triển khai xây dựng làng sức khỏe. Nếu nhân rộng ra các huyện vùng sâu khác thì chắc chắn công tác chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn, đặc biệt là các buôn làng đồng bào DTTS sẽ được nâng lên rõ rệt.

Để từng người dân ở Buôn/làng vùng sâu thấu hiểu tác dụng của mô hình làng sức khỏe, huyện Đăk Hà lập Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân để liên tục thúc đẩy việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng và duy trì các xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2020.

Trong các chương trình sinh hoạt, lễ hội ở các buôn, các xã đều lồng ghép Chương trình mục tiêu y tế - dân số để người dân nắm vững. Công tác phối hợp giữa nhân viên y tế với các già làng cũng được chú trọng thực hiện. Già làng Y Phan ở thôn Kon Gung (xã Đăk Mar) chia sẻ: Trước đây trẻ con lẫn người lớn bị bệnh thông thường rồi các đợt có dịch cúm cũng ít muốn đi cơ sở y tế. Môi trường sống thì bị ô nhiễm, rác vứt quanh Buôn/làng, thậm chí thấy xác động vật chết cũng không dọn dẹp. Nhưng từ ngày được tiếp cận kế hoạch hành động hướng đến xây dựng làng sức khỏe thì ai cũng thay đổi. Người này đến bảo người kia phải cho con đi tiêm chủng đúng ngày, phải giữ buôn làng sạch sẽ, phải diệt loăng quăng, phải ăn chín uống sôi, phải hạn chế uống rượu, thấy động vật chết thì không tị nạnh mà sắn tay vào mang đi chôn ngay, không phóng uế bừa bãi, sử dụng nhà tiêu đúng quy chuẩn… Ban đầu các cán bộ y tế đi vận động, người dân còn thờ ơ nhưng dần dần thấy rõ tác dụng của mô hình làng sức khỏe nên ai cũng thay đổi nhận thức.

Giảm bệnh tật

Tính đến đầu năm 2018, Đăk Hà đã thành lập trên 100 Tổ tự quản về chăm sóc sức khỏe, hơn 500 nhóm hộ gia đình tự quản về vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích trong các thôn buôn trong địa bàn huyện.

Từ khi triển khai xây dựng mô hình làng sức khỏe, nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe ở các Buôn/làng thay đổi mạnh mẽ. Ông Đinh Văn Blong ở thôn 8 (xã Đăk Pxi) vui mừng cho biết: Trước đây người dân tụ tập bãi rác ngay cạnh nhà mình rồi còn để chuồng phân heo cạnh nhà, các thùng phi, thùng nhựa chứa nước hết tháng này đến tháng nọ loăng quăng đầy mà cứ để im vậy nên trẻ con và người già cứ mắc bệnh hô hấp và thở khò khè suốt. Từ khi nhà nhà hào hứng tham gia xây dựng mô hình làng sức khỏe thì đầu thôn, cuối Buôn/làng đều được dọn dẹp sạch, chăn nuôi bài bản, không để thùng chứa nước có loăng quăng. Môi trường trong lành, trẻ nhỏ trong thôn ít mắc các bệnh về hô hấp và cảm cúm hơn.

Xưa nay quen nương rẫy nhưng giờ đây đến các ngày mít tinh được tổ chức ở Đăk Hà như: Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết, Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường (ngày 29/4-6/5), Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (ngày 02/7), Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng (ngày 15/10), Ngày Quốc tế nhà vệ sinh (ngày 19/11)… bà con các Buôn/làng đều kéo nhau đi dự để hiểu thêm công tác bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Theo thống kê, đến đầu năm 2018 gần 100% người dân ở Đăk Hà đã tham gia xây dựng mô hình làng sức khỏe. Các Tổ tự quản bảo đảm sức khỏe thôn buôn thường xuyên đến từng gia đình để vừa tuyên truyền vừa phát động các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường. Ông Đinh Năm ở thôn Tân Lập B (xã Đăk Hring) phấn khởi: Tôi là một trong những người tiên phong tham gia vận động bà con người Ba-Na, Xơ-đăng… tham gia xây dựng làng sức khỏe. Bệnh tiêu chảy, bệnh truyền nhiễm giảm hẳn, muỗi cũng không còn đất sống, Buôn/làng sạch đẹp nên ai cũng tin tưởng mô hình này.

 

Hà Văn Đạo

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi