"Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2016.
Gia đình chị Phạm Thị Mây ở xã Đại Phác, huyện Văn Yên là một trong 570 hộ gia đình được hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình. Sau khi biết gia đình thuộc diện được hỗ trợ, chị đã xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh để góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa cho các thành viên trong gia đình.
Chị Mây phấn khởi chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi sử dụng nhà vệ sinh theo kiểu hai ngăn đổ tro, không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm không khí và bất tiện, thậm chí ảnh hưởng đến cả mọi người xung quanh. Từ khi được tuyên truyền về nhà vệ sinh tự hoại, tôi đã vay vốn và xây dựng nhà vệ sinh mới bảo đảm sạch sẽ và thuận tiện”.
Song song với việc vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hộ gia đình xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn còn hỗ trợ trạm y tế và các trường học trong xã Đại Phác xây dựng mới, cải tạo nhà tiêu và công trình cấp nước đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, Trạm Y tế xã Đại Phác còn chú trọng tuyên truyền, phổ biến cách sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa cho người dân, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân được tiếp cận và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn toàn xã”.
Từ khi triển khai Chương trình, đến nay, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu cải thiện tại xã Đại Phác đã đạt 70%, tỷ lệ hộ gia đình có điểm rửa tay bằng xà phòng đạt 80%. Có được kết quả đó là nhờ có sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của UBND xã Đại Phác.
Ông Hoàng Kim Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phác cho biết: "Chương trình đã góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường và duy trì tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Phác tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình”.
Là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện hợp phần vệ sinh trong Chương trình, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động như: Hội nghị hợp phần vệ sinh, mở lớp tập huấn cho giảng viên nòng cốt tuyến huyện về vệ sinh nông thôn; tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nhằm kêu gọi sự quan tâm, ưu tiên của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, người dân trên địa bàn tỉnh.
Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: "Năm 2017, Trung tâm đã triển khai Chương trình tại 5 xã và đã có 1 xã được đề nghị công nhận đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã.
Theo kết quả đánh giá tiến độ, đến nay, Chương trình triển khai tại khu vực nông thôn trong tỉnh và đã có 85% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 62% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 96,2% trạm y tế có công trình nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Năm 2018, Chương trình được triển khai tại 11 xã, phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã. Đồng thời, nỗ lực để đạt chỉ tiêu ít nhất 50 xã đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã vào năm 2020”.
Để đạt mục tiêu 70% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; 100% các công trình công cộng có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh vào năm 2020 thì sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng với đó đẩy mạnh thông tin tuyên truyền là hết sức cần thiết.
Có như vậy, việc thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh sẽ mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn.
Thu Phương