Thứ Ba, 7/1/2025
Lai Châu nỗ lực thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn
Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn đang được các địa phương tỉnh Lai Châu nỗ lực thực hiện

Cuối năm 2015, Lai Châu là 1 trong 21 địa phương trong cả nước được thụ hưởng Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra” vay vốn ngân hàng thế giới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2015. Từ nguồn vốn đó đã cung cấp, hỗ trợ xây mới nhà tiêu cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo và hộ gia đình chính sách trong tỉnh thông qua các gói tín dụng hoặc tiếp cận khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội… theo quy trình minh bạch ở cấp địa phương. Đồng thời, cung cấp các trang thiết bị rửa tay, vệ sinh và cấp nước đầy đủ ở các trạm y tế…

Tuy nhiên, đến năm 2017, Lai Châu mới được cấp vốn và cũng là năm đầu tiên triển khai chương trình. Ngay sau khi tiếp nhận nguồn vốn, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành liên quan như: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng, Kho bạc Nhà nước tỉnh, các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, UBND các huyện thụ hưởng phối hợp thực hiện. Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan điều phối Chương trình ở cấp tỉnh. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình của tỉnh; phê duyệt các kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch, tăng cường năng lực 2016, 2017; Kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh nông thôn năm 2016, 2017…

Cùng với đó, các địa phương, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi thái độ, hành vi của các cấp, ngành và Nhân dân thông qua tập huấn kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với hình thức tuyên truyền đa dạng, thường xuyên, liên tục, đầu tư cho vệ sinh môi trường là đầu tư cho sức khỏe của dân tộc và thế hệ tương lai, mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho đất nước, cho cộng đồng và bản thân mỗi người… đã tạo sự đồng thuận trong xã hội. Phát huy tốt mọi nguồn lực thực hiện Chương trình đem lại hiệu quả sâu rộng, bền vững.

Về xã Mường So, huyện Phong Thổ – là một trong những địa phương được thụ hưởng Chương trình, đồng chí Đèo Văn Phong – Chủ tịch UBND xã chia sẻ, để xây dựng xã đạt tiêu chí “Vệ sinh toàn xã”, xã đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn của xã, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và thôn, bản tổ chức các hoạt động truyền thông về sự cần thiết phải sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và thay đổi hành vi vệ sinh một cách bền vững… Cùng với đó, xã cũng chỉ đạo các bản tổ chức các đợt ra quân quét dọn đường, ngõ bản; thu gom rác thải, phân gia súc thải ra đường. Sau 1 năm triển khai chương trình toàn xã có 147 hộ gia đình đã xây dựng được nhà tiêu hợp vệ sinh, 1 công trình nước sạch sinh hoạt tập trung, góp phần phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho Nhân dân.

Tham gia Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 tại tỉnh ta sẽ có 25 xã thuộc 7 huyện được triển khai. Riêng năm 2017 chương trình triển khai tại 3 huyện với 5 xã gồm: Bản Bo, Bản Hon (huyện Tam Đường); Mường So (huyện Phong Thổ); Nậm Cần, Phúc Khoa (huyện Tân Uyên). Chương trình được triển khai với 3 hợp phần, gồm cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá. Tỉnh đã bố trí vốn đối ứng năm 2017 là 1 tỷ đồng, Vốn WB cấp và vốn tỉnh vay lại: 15 tỷ đồng. Cùng nguồn vốn sự nghiệp (vốn WB cấp 2,85 tỷ đồng). Đối tượng thụ hưởng chủ yếu là dân cư nông thôn, phụ nữ, trẻ em khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, có mức sống thấp; học sinh các cấp, trạm y tế xã…

Đến nay tỉnh Lai Châu đã lập, thẩm định hồ sơ và trình phê duyệt 4 công trình cấp nước khởi công năm 2017 với 1.400 đấu nối. Thực hiện Vệ sinh toàn xã tại 5 xã gồm: Bản Hon, Bản Bo (huyện Tam Đường); Nậm Cần, Phúc Khoa (huyện Tân Uyên). Mường So (huyện Phong Thổ). Rà soát, xây dựng 7 công trình vệ sinh, cải tạo đầu tư 15 điểm rửa tay với xà phòng, phục vụ 15 trường thuộc 5 xã (Bản Hon, Bản Bo, Phúc Khoa, Nậm Cần, Mường So). Lập hồ sơ được 6 nhà vệ sinh của 6 trạm y tế thuộc 6 xã. Đặc biệt, thực hiện vệ sinh nông thôn (vệ sinh hộ gia đình) đã hỗ trợ xây dựng mới nhà tiêu hợp vệ sinh cho 600 hộ gia đình thuộc 7 xã. Trong đó, huyện Tam Đường có xã Bản Hon (49 nhà tiêu), xã Bản Bo (84 nhà tiêu); huyện Tân Uyên có xã Phúc Khoa (168 nhà tiêu), Nậm Cần (33 nhà tiêu); huyện Phong Thổ có xã Mường So (140 nhà tiêu); huyện Than Uyên có xã Pha Mu (28 nhà tiêu), huyện Sìn Hồ có xã Nậm Tăm (98 nhà tiêu)… Qua đó, đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, cải thiện tình hình vệ sinh nguồn nước, nhà tiêu trạm y tế và một số cơ sở công trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai Chương trình có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế – xã hội, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân, nên cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong triển khai thực hiện Chương trình cũng như quản lý tốt công trình sau đầu tư, đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài cho người dân.

Mạnh Hùng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất