Thứ Năm, 14/11/2024
Lạng Sơn: Hướng đến sử dụng nguồn nước sạch bền vững

Năm 2012, thôn Bó Khuông, xã Hải Yến (Cao Lộc) được Nhà nước đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung, sau khi đi vào hoạt động, người dân phấn khởi bởi không còn phải vào khe suối cách xa hàng ki lô mét để lấy nước. Ông Long Văn Pản, thôn Bó Khuông cho biết: Từ khi được sử dụng nước từ công trình nước sinh hoạt tập trung, gia đình tôi không phải đi gánh nước xa; nguồn nước sử dụng tại bể sạch sẽ hơn do đã qua các bể lọc.

Qua tìm hiểu, để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, thôn Bó Khuông thành lập tổ quản lý, sử dụng công trình. Người dân trong thôn đã họp bàn, thống nhất thành lập 1 tổ quản lý công trình gồm 8 người. Tổ có nhiệm vụ kiểm tra, sửa chữa đường ống dẫn nước, xục rửa các bể chứa nhánh, bể đầu nguồn, điều tiết các bể chứa… Để duy trì hoạt động của tổ quản lý công trình, mỗi hộ dân đóng 10.000 đồng/tháng.

Cũng giống như thôn Bó Khuông, với gần 50 công trình nước sạch sinh hoạt được đầu tư từ nhiều nguồn vốn, bằng những biện pháp chia thành nhóm, cụm dân cư tự quản lý, điều tiết nguồn nước, nên các công trình nước sạch sinh hoạt ở xã Tân Văn, huyện Bình Gia đã và đang phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng thôn Kéo Coong, xã Tân Văn cho biết: Thôn được Nhà nước đầu tư 6 bể chứa, thời gian đầu khi mới sử dụng, do cách quản lý, sử dụng không phù hợp nên nguồn nước không đảm bảo nhu cầu của nhân dân, nhiều hộ không đủ nước dùng. Vì vậy, thôn thành lập 4 tổ quản lý công trình nước ở 4 khu dân cư. Mỗi tổ có trách nhiệm kiểm tra  đường ống dẫn, vệ sinh bể chứa, nhất là sau mỗi trận mưa đất, lá cây lấp gây tắc đường ống dẫn nước bể đầu nguồn. Nếu hư hỏng đường ống, bể chứa ở cụm dân cư nào thì cụm đó tự đóng góp để tu sửa. Qua đó, các hộ đều đảm bảo đủ nước sinh hoạt để dùng, người dân đều phấn khởi.

Hiện nay, toàn tỉnh có 364 công trình cấp nước tập trung, đa số các công trình được lấy nước từ khe núi, mạch lộ, hang ngầm. Trong số 364 công trình, có 48 công trình hoạt động bền vững, 215 công trình hoạt động trung bình, còn lại là các công trình hoạt động kém hiệu quả.

Ông Nguyễn Quang Huynh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh cho biết: Thực tế, một số công trình sau khi đưa vào sử dụng, các thôn, xã không thành lập được tổ quản lý, sử dụng công trình, dẫn đến bị xuống cấp hư hỏng không được tu sửa, công trình hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, ngày 8/7/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1145/QĐ-UBND về việc giao đơn vị quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến nay, trung tâm phối hợp với cơ quan, đơn vị bàn giao 343 công trình cho các xã quản lý; xây dựng và hướng dẫn thành lập ban quản lý nước… Qua đó, các xã đã và đang tiếp tục thành lập ban quản lý nước của xã, tổ quản lý nước của thôn. Các công trình còn lại, trung tâm đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị để giao cho các xã quản lý.

Cùng với đó, hiện nay Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường đã và đang phối hợp triển khai chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả” vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình gồm 3 lĩnh vực chính nhằm cải thiện hành vi vệ sinh và tăng cường tới dịch vụ tiếp cận nước đảm bảo các công trình cấp nước bền vững; xây dựng năng lực ở cấp tỉnh, xã và làng để triển khai, quản lý, duy trì việc cấp nước hợp vệ sinh.

Với các giải pháp thiết thực hiệu quả, tỷ lệ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 78% năm 2012 lên 89,5% năm 2017; tỷ lệ dân được sử dụng nước theo quy chuẩn của Bộ Y tế tăng từ 43,6% năm 2012 lên 50,04%  năm 2017.

Hoàng Hà

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất