Thứ Tư, 25/12/2024
Ba Chẽ (Quảng Ninh): Hỗ trợ người dân xóa nhà tiêu không hợp vệ sinh
Cán bộ y tế xã Nam Sơn kiểm tra việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh của người dân

Năm 2013, toàn huyện Ba Chẽ mới chỉ có 44% nhà tiêu hợp vệ sinh, vì vậy, huyện xác định việc triển khai chương trình PfoR đóng vai trò quan trọng để giúp địa phương thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do đặc thù là huyện thuần nông, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên dù được hỗ trợ một phần kinh phí, các hộ dân vẫn không mặn mà tham gia. Vì vậy, từ năm 2014-2017, số nhà tiêu hợp vệ sinh được xây mới không cao như kỳ vọng đặt ra, trung bình mỗi năm, toàn huyện chỉ xây thêm được hơn 300 nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt khoảng 50-70% kế hoạch đặt ra.

Theo tính toán, chi phí tối thiểu để xây dựng một nhà tiêu hợp vệ sinh khoảng 1,85 triệu đồng. Trong khi vốn hỗ trợ từ chương trình PfoR trong năm nay chỉ có 1,1 triệu đồng. Với quyết tâm sớm đưa các xã ra khỏi diện 135, duy trì các xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, vì vậy UBND huyện Ba Chẽ đã quyết định trích từ nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa giúp mỗi hộ gia đình 750.000 đồng. Đồng thời triển khai một loạt các giải pháp thiết thực như: Thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện với sự tham gia của tất cả các ban, ngành, đoàn thể; ban hành quyết định giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; các đồng chí trong Ban Thường vụ huyện phụ trách xã nào thì có trách nhiệm đôn đốc xã đó triển khai.

Chính sự vào cuộc tích cực của huyện đã tác động sâu rộng đến từng xã, do đó, từ 450 nhà tiêu hợp vệ sinh theo kế hoạch đặt ra, các xã đã chủ động rà soát, đăng ký xây mới thêm 123 nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng tổng số nhà tiêu hợp vệ sinh sẽ hoàn thành trong năm nay lên thành 573. Trong đó, nhiều xã đã phát động chiến dịch xây nhà tiêu hợp vệ sinh với những cách làm rất sáng tạo và đổi mới.

Điển hình như xã Nam Sơn, một xã có tới 90% đồng bào người Dao sinh sống. Do thói quen sinh hoạt, cũng như nhận thức và đời sống thu nhập của người dân còn thấp, nên trước đây, phần lớn các hộ dân trên địa bàn xã không xây dựng nhà tiêu. Năm này qua năm khác, “nhà tiêu” của những người dân nơi đây vẫn chỉ là vài mảnh gỗ ghép lại chỗ khu đất trống hoặc tận dụng luôn bìa rừng, vạt đồi gần nhà để giải quyết nhu cầu.

Để khắc phục thực trạng này, ngay sau khi có quyết định giao chỉ tiêu xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng nhà, nhằm thay đổi hành vi, tập quán, thói quen của người dân. Đồng thời, cử cán bộ đến hướng dẫn quy cách xây dựng nhà tiêu theo mẫu quy định của Bộ Y tế. Với những hộ gia đình không có người trong độ tuổi lao động, hộ gia đình neo đơn, người già, UBND xã sẽ thuê HTX Nông nghiệp, dịch vụ và môi trường Nam Sơn đứng ra xây dựng. Bằng cách làm này, đến nay xã Nam Sơn đã hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao. Theo đó, 702/702 hộ có nhà tiêu, số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh là 502/702 (bằng 74%).

Cùng với Nam Sơn, 6 xã còn lại cũng đã triển khai đạt được 80-90% kế hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10/2018. Nâng tổng số nhà tiêu hợp vệ sinh lên 80-100%, từ đó sẽ góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên trên địa bàn toàn huyện.

Thu Hoài

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi