Thứ Sáu, 22/11/2024
Phú Thọ: Nâng nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh ở nông thôn
Học sinh rửa tay trước khi vào lớp học

Trong chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả đầu ra giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã dự kiến chọn ra 55 xã (trong 8 huyện) để phấn đấu đạt được danh hiệu "Vệ sinh toàn xã". Tại các xã, huyện đã chọn, tỷ lệ HGĐ có nhà tiêu HVS ở một số xã còn rất thấp, nhận thức và thói quen mất vệ sinh vẫn còn tồn tại ở một số HGĐ, nhiều người chưa biết rửa tay sau khi đi vệ sinh, vẫn còn nhiều hộ gia đình sử dụng phân tươi trong trồng trọt, chăn nuôi nguồn lực kinh tế của đa số các hộ gia đình vẫn còn khó khăn đặc biệt là vùng nông thôn. Việc xây dựng các công trình vệ sinh thường đi kèm với công trình xây dựng nhà ở nên việc vận động cải tạo xây mới nhà tiêu HVS gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người dân tại dân các xã vùng cao chưa có thói quen sử dụng nhà tiêu, tình trạng phóng uế bừa bãi trên đồi, trên nương vẫn còn tồn tại ở một số xã. Số trạm y tế xã có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh  271/277 đạt 97,8%. Nhiều trạm y tế chỉ có 01 nhà tiêu chung cho cả bệnh nhân và cán bộ y tế xã, một số công trình đang  xuống cấp cần được xây mới và cải tạo. Công tác vệ sinh môi trường trong trường học đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ nhiều chương trình, dự án trong và ngoài nước. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, của Ngành giáo dục mà công tác vệ sinh môi trường trong trường học đã đạt được những kết quả bước đầu. Toàn ngành giáo dục có 928 trường công lập (điểm trường chính). Tỷ lệ trường học có công trình nước và nhà tiêu HVS 94,71%.

Vì vậy, dự án sẽ nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân nông thôn nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tăng cường tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh đạt tiêu chuẩn tại khu vực nông thôn tỉnh Phú Thọ.

Các mục tiêu truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh đến 2020: 100% hộ gia đình (57.736 hộ) của ít nhất 54 xã can thiệp “Vệ sinh toàn xã” được truyền thông - vận động xây và sử dụng công trình vệ sinh được xây mới/cải thiện thông qua cung cấp thông tin về các loại nhà tiêu cải thiện, cũng như cách xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu đúng cách. Cụ thể:

100% hộ gia đình của ít nhất 54 xã “Vệ sinh toàn xã” được cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân và rửa tay bằng nước hợp vệ sinh với xà phòng vào các thời điểm quan trọng.

100% giáo viên (khoảng 1000 giáo viên) và học sinh (khoảng 25.000 học sinh) các trường mầm non và tiểu học của ít nhất 54 xã “Vệ sinh toàn xã” được cung cấp kiến thức về sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh đúng quy cách, rửa tay với xà phòng và nước sạch vào các thời điểm quan trọng.

Các cửa hàng tiện ích và cộng tác viên, thợ xây của họ được đào tạo tập huấn về thị trường vệ sinh, kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, lập kế hoạch kinh doanh, kỹ năng bán hàng để xây dựng và phát triển thành hệ thống cửa hàng tiện ích.

90% cán bộ trạm y tế xã y tế thôn bản (khoảng 1.100 người) tham gia thực hiện Chương trình được đào tạo tập huấn về các mô hình thúc đẩy vệ sinh; truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh; thúc đẩy thị trường vệ sinh, kiểm tra, giám sát vệ sinh nhà tiêu HGĐ; nhà tiêu trường học và trạm y tế.

Chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp, và những người có vai trò lãnh đạo trong cộng đồng như trưởng thôn, già làng, trưởng bản tại địa phương cung cấp thông tin về tầm quan trọng và các nội dung vệ sinh nông thôn, và đưa chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu cải thiện, số thôn bản đạt ODF (cộng đồng chấm dứt đi tiêu bừa bãi)  vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương các cấp và cam kết thực hiện.

Mạnh Tiến

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi