Thứ Năm, 14/11/2024
Nỗ lực giúp người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh
Việc đi tiêu bừa bãi vẫn còn phổ biến ở nhiều vùng nông thôn

Trước đây, một phần do thói quen sinh hoạt, phần khác do chưa có điều kiện nên phần lớn các hộ dân trên địa bàn xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, đầu năm 2017, xã Chà Nưa tập trung tuyên truyền vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đồng thời xã vận động, kêu gọi các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn ủng hộ xi măng, gạch và thiết bị nhà vệ sinh hỗ trợ người dân. 
 
Theo tính toán, chi phí tối thiểu để xây dựng 1 nhà tiêu hợp vệ sinh khoảng 2,5 triệu đồng. Ngoài sự hỗ trợ của UBND xã, mỗi hộ dân phải đối ứng thêm khoảng 1,5 - 1,8 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, xã đã hỗ trợ 145 hộ dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Hiện nay, toàn xã có 64% hộ có nhà tiêu đảm bảo vệ sinh môi trường. Phấn đấu đến tháng 10/2017, xã có trên 80% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. 
 
Tại xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang, Hà Giang, vấn đề nhà cầu trên ao của các hộ dân đã tồn tại từ lâu đời. Mùi hôi thối, nước thải được xả trực tiếp ra ao, người dân sử dụng nước và ăn những thủy sản tại ao đó hiện vẫn đang diễn ra không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Năm 2014, xã cùng với các đoàn thể vào cuộc và làm thí điểm 8 nhà vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia về nhà vệ sinh và hỗ trợ 4 tạ xi măng cho các hộ dân. Xã đã đến từng hộ vận động người dân phá bỏ nhà cầu trên ao, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, nâng tỉ lệ hộ dân có nhà vệ sinh đạt chuẩn cao, cảnh quan môi trường trở nên sạch đẹp hơn, mang đến một bộ mặt mới cho xã. Đến nay, toàn xã vẫn còn 28/870 hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh; dự kiến trong năm 2017 sẽ xóa bỏ hoàn toàn.
 
Trên địa bàn xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vẫn còn tình trạng nhà tiêu dựng tạm bợ bằng tre, nứa và phủ bạt của nhiều hộ dân, gây ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường. Tình trạng nước thải vệ sinh được xả trực tiếp ra ao, hồ gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước, tạo môi trường cho ruồi, muỗi và các côn trùng khác phát triển đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đời sống người dân. 
 
Đến nay, xã đã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong đó, chỉ rõ cho người dân biết, việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh chính là nguyên nhân gây nên một số bệnh như tiêu chảy, bệnh đường ruột… ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và cộng đồng. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức cá nhân giúp nhân dân làm nhà vệ sinh. 
 
Tại các buổi họp thôn, trưởng thôn đều phổ biến kiến thức, sự cần thiết của xây nhà tiêu hợp vệ sinh để nhân dân nhận thức rõ đây là việc làm thiết thực, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng... Nhờ vậy đến nay, toàn xã đã có 965/1.498 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, chiếm gần 65% tổng số hộ, tình trạng nhà tiêu dựng tạm bợ cạnh ao, hồ đang dần được xóa bỏ. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết hay tiêu chảy trên địa bàn xã giảm đáng kể. Đặc biệt, xã không có những ổ dịch bùng phát như trước. Xã phấn đấu đến hết năm 2020 đạt 100% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới. 
 
Theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị cao cấp của “Đối tác toàn cầu về Vệ sinh và Nước cho mọi người”, đến năm 2025 Việt Nam sẽ chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và tiếp cận vệ sinh cho mọi người vào năm 2030. Đến năm 2020 có 30% số thôn không còn tình trạng phóng uế bừa bãi, 75% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh toàn xã... Việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cũng góp phần hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.

Hoàng Minh
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất