Năm 2014, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) có nhà tiêu tương đối hợp vệ sinh là 58%, đa phần không bền vững. Đến tháng 5-2018, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh đã đạt 65,5%, 100% nhà tiêu đạt tiêu chuẩn vệ sinh có tính bền vững lâu dài. Nhờ thành quả này, huyện trở thành điển hình trong 5 huyện, 2 tỉnh Nghệ An, Tuyên Quang về thực hiện Dự án nhân rộng phát triển thị trường vệ sinh hộ gia đình nông thôn và cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân (Wash-sup). Đằng sau thành quả đó còn là mộthành trình đầy gian nan trong công tác dân vận nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân.
Không khó như...hái sao trên trời
“Gia đình mình và bà con trong bản từ lâu rồi vẫn sinh hoạt như vậy mà. Cần gì phải có 1 chỗ đi vệ sinh riêng, chỗ nào đi mà chả được, có sao đâu”. Đó là tư tưởng, nếp sống cố hữu của nhiều hộ đồng bào Mông thôn Ngòi Khù, xã Đạo Viện. Thôn đa phần là hộ nghèo, cận nghèo, 100% dân tộc Mông. Từ 1 thôn với nhiều hộ không có nhà tiêu, đến nay 29/29 hộ dân đều có nhà tiêu hợp vệ sinh. Điều khó tin ấy lại là sự thật khiến 3 đoàn nước ngoài và 10 đoàn trong nước đã đến tận nơi mục sở thị. Để có được kết quả ấy có công lớn của bà Giàng Thị Chía, Bí thư Chi bộ thôn.
Năm 2016, xã triển khai Dự án Wash - sup (Dự án nhân rộng phát triển thị trường vệ sinh hộ gia đình nông thôn và cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân). “Miệng nói tay làm”, bà Chía đã tiên phong trong việc làm nhà tiêu hợp vệ sinh dội nước trị giá 2 triệu đồng cho gia đình. Sau đó, bà cùng chi bộ chỉ đạo các đoàn thể thôn phối hợp với thôn tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân. Trong quá trình làm nhà tiêu, hộ nào khó khăn, bà Chía ứng tiền trước mua nguyên vật liệu. Rồi bà giám sát chất lượng từng nhà tiêu của hộ dân theo đúng thiết kế quy định. Bà đến tận hộ, kiểm tra từng nhà tiêu; nhà tiêu của hộ nào chưa sạch sẽ, bà lập tức dọn vệ sinh, hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu... Từ đó, hộ nào cũng gìn giữ nhà tiêu sạch sẽ không thì ngại với bà Chía lắm. Người Mông ở Đạo Viện chiếm trên 23% dân số. Giờ đây, nhiều hộ Mông trong xã tin và làm theo bà Chía làm nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần nâng tổng số nhà tiêu hợp vệ sinh của xã từ 18,5% năm 2016 lên đến hơn 70% tính đến tháng 5-2018. Xã đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Bà Chía phấn khởi chia sẻ: “Giờ đây người dân trong thôn đều thấy được hiệu quả của nhà tiêu hợp vệ sinh đối với sức khỏe, cuộc sống của gia đình mình”.
Phú Thịnh là 1 trong những xã tiêu biểu trong thực hiện dự án Wash-sup. Từ xã có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 28% năm 2016, chưa đầy 2 năm, tỷ lệ đã nâng lên gần 70%. Tại 4 thôn đặc biệt khó khăn của xã tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh tăng mạnh. Điển hình như thôn Mỹ Lộc, từ 33,8% tăng lên 77,9%; thôn Nghẹt từ 1,9% tăng lên 50%. Thời gian qua, UBND xã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện dự án Wash - sup. Để khuyến khích người dân thực hiện, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, lãnh đạo xã đã đưa ra giải pháp hỗ trợ người dân tiền vận chuyển ống cống làm bể chứa nhà tiêu. Đây đã trở thành 1 đòn bẩy quan trọng trong thực hiện dự án. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế xã, tổ chức Hội Phụ nữ xã đã tích cực xuống thôn, bản tuyên truyền vận động đến từng hộ dân; đảng viên, đầu ngành của các thôn đều gương mẫu, tích cực vận động tuyên truyền, thậm chí cầm tay, chỉ việc đến từng hộ. Tiêu biểu là ông Phạm Ngọc Mạnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Mỹ Lộc sử dụng máy xúc của gia đình hỗ trợ 15 hộ dân đào hố đặt ống cống; ông Lý Văn Rau, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nghẹt hỗ trợ 5 triệu đồng cho 10 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong thôn làm nhà tiêu... Đó chỉ là 2 trong số nhiều điển hình “dân vận khéo” của xã trong thực hiện dự án.
“Người người, nhà nhà trong thôn, trong xã đua nhau làm nhà tiêu hợp vệ sinh, mình không làm được cảm thấy xấu hổ lắm” - bà Bàn Thị Phượng, thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh cười nói. Mặc dù là hộ nghèo, gia đình bà cũng cố gắng xoay xỏa làm được nhà tiêu trong tháng 3-2018 với trị giá 900 nghìn đồng (chưa tính tiền công). Ở cái tuổi 60, bà mới thấu hiểu cuộc sống của mình đỡ khốn khổ biết bao nhiêu khi được giải quyết nhu cầu thiết yếu của mình ở nơi sạch sẽ. Giờ ngẫm đến nhà tiêu tạm bợ trước kia, bà chợt rùng mình, chắc chắn không bao giờ có thể bước chân vào chốn đó được nữa.
Trước khi triển khai dự án, nhiều người đã nghĩ khó có thể thực hiện được mục tiêu đề ra bởi để thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện về việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh “khó như... hái sao trên trời vậy”. Nhưng thực tế, kết quả đã vượt trên cả mong đợi. Dự án Wash - sup không hỗ trợ kinh phí cho người dân mà tập trung tuyên truyền, tư vấn, nâng cao nhận thức cho người dân để thay đổi ý thức, thái độ, hành vi về làm nhà tiêu hợp vệ sinh; về rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Thay đổi nếp sống, nếp nghĩ ăn sâu vào tiềm thức, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án được triển khai tại 30 xã với số khách hàng (người dân) được tiếp cận tư vấn là 30.848 hộ. Việc cải tạo và làm mới nhà tiêu theo mô hình dội nước đã được trên 95% người dân trên địa bàn huyện áp dụng.
Động lực để hoàn thành chương trình vệ sinh
Mục tiêu của dự án Wash - sup tại tỉnh ta là 15.000 hộ dân làm mới hoặc cải tạo nhà tiêu cũ đạt nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhưng chỉ riêng trên địa bàn huyện Yên Sơn, sau 4 năm triển khai, toàn huyện đã cải tạo và xây mới 23.508 nhà tiêu hợp vệ sinh; trong đó, có 21.896 tự hoại, 1.522 thấm dội. Dự án IDE công nhận 7.490 nhà tiêu (1.341 hộ nghèo, 351 hộ cận nghèo). Ông Phạm Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện, Phó Thường trực Ban Chỉ đạo Dự án Wash - sup huyện bày tỏ, hiệu quả của dự án đóng vai trò quan trọng trong thực hiện tiêu chí về vệ sinh môi trường theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời cũng là tiền đề để huyện từng bước hoàn thành chỉ tiêu Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả (gọi tắt là Chương trình Vệ sinh toàn xã) đã và đang triển khai trên địa bàn huyện.
Anh Phạm Văn Kỳ, cựu Điều phối viên dự án Wash - sup tại Tuyên Quang nhấn mạnh, dự án tại Tuyên Quang nói chung, tại huyện Yên Sơn nói riêng đã vượt mục tiêu cam kết với nhà tài trợ. Năng lực, kỹ năng của cán bộ cơ quan đối tác là Trung tâm Y tế và Hội LHPN các cấp được cải thiện đáng kể. Đây được coi là chìa khóa thành công của dự án. Từ Wash - sup, huyện Yên Sơn được Chương trình Vệ sinh toàn xã (Ngân hàng thế giới tài trợ) chọn làm điểm tham quan học hỏi của 21 tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, các tỉnh, thành đã đề nghị tổ chức IDE sớm tìm cơ hội để chuyển giao, nhân rộng phương pháp tiếp thị vệ sinh ở địa bàn của họ.
Đến năm 2020, toàn huyện sẽ có 16 xã thực hiện Chương trình Vệ sinh toàn xã. Chương trình đưa ra mục tiêu 100% số hộ dân thuộc dự án có nhà vệ sinh; trong đó 70% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân thay đổi thì quãng đường đến đích của Chương trình Vệ sinh toàn xã dần trở nên ngắn hơn. Điều đó cũng chứng minh rằng, “dân vận khéo” chính là chìa khóa để tạo nên thành công của nhiều chương trình, dự án thiết thực đối với người dân.
Hồng Quân