Ðối với tỉnh vùng cao như Ðiện Biên, vấn đề nâng cao tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) gặp rất nhiều khó khăn. Hiện Ðiện Biên là 1 trong 10 tỉnh có tỷ lệ nhà tiêu HVS vùng nông thôn thấp nhất cả nước với 40,5%. Ðể cải thiện điều này, việc nâng cao nhận thức, truyền thông thay đổi hành vi cho người dân các địa bàn thực sự quan trọng, cần được thực hiện đầu tiên nhằm giải quyết “gốc rễ” vấn đề.
Trong hoàn cảnh các nguồn lực dành cho vệ sinh môi trường, đặc biệt là vệ sinh hộ gia đình ngày càng hạn chế, Chính phủ triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” thông qua nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Ðiện Biên là một trong những tỉnh được chọn thực hiện chương trình giai đoạn 5 năm (2016 - 2020). Trong chương trình có 1 hợp phần quan trọng là nâng cao năng lực, truyền thông với đầu mối là Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, tuyên truyền thay đổi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường… Thực hiện nhiệm vụ của mình, Trung tâm vừa triển khai hội nghị tuyến tỉnh, tập huấn về nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi cho các cán bộ hội phụ nữ, trung tâm y tế tuyến huyện và lãnh đạo các xã thuộc chương trình. Trong đó nhấn mạnh vào cách truyền thông vệ sinh môi trường đạt hiệu quả, đặc biệt là làm và sử dụng nhà tiêu HVS và phát triển thị trường vệ sinh tại cộng đồng, kỹ thuật xây dựng nhà tiêu HVS hộ gia đình.
Công tác truyền thông nếu được thực hiện tốt có thể phát huy nội lực trong nhân dân, đẩy lùi một số tập quán lạc hậu, từ đó công tác giữ gìn vệ sinh môi trường cũng sẽ được quan tâm hơn. Vì vậy, việc truyền thông cần gần gũi, sâu rộng và có sự tham gia của nhiều lực lượng, đoàn thể. Sau khi được phổ biến, tham gia tập huấn tuyến tỉnh, các huyện, xã tiếp tục triển khai truyền thông tại cơ sở, đến từng thôn, bản tuyên truyền, vận động với sự giúp sức của cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng. Hoạt động hướng tới mục tiêu thay đổi hành vi: Các thành viên trong gia đình rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, đi tiêu trong các nhà tiêu cải thiện và chấm dứt việc đi tiêu bữa bãi, nâng cấp hoặc xây mới nhà tiêu HVS. Ông Lò Văn Hơn, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tham gia lớp tập huấn truyền thông thay đổi hành vi, cho biết: Xã Pa Ham có hơn 40% hộ dân chưa có nhà tiêu HVS, đặc biệt là 4 bản vùng cao hầu như chưa có gia đình nào có nhà tiêu. Cuộc sống người dân còn rất nghèo nên để đầu tư xây dựng nhà tiêu như đúng quy chuẩn là điều khó thực hiện. Song tôi sẽ huy động các đoàn thể trong xã cùng tham gia tuyên truyền cho người dân biết về tầm quan trọng của vệ sinh môi trường sống, đặc biệt là xử lý chất thải hộ gia đình; dần nâng cao nhận thức để người dân chủ động quy hoạch nhà tiêu, đảm bảo môi trường sống trong lành và có thể lồng ghép nguồn vốn xây dựng nông thôn mới hỗ trợ người dân làm nhà tiêu HVS trong thời gian tới.
Ông Vũ Văn Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Mục tiêu sau khi triển khai kế hoạch truyền thông 2017 và các hoạt động của chương trình là 11 xã đạt vệ sinh toàn xã, bao gồm: Trung Thu (huyện Tủa Chùa), Quài Cang (huyện Tuần Giáo), Ẳng Cang, Xuân Lao (Mường Ảng), Na Son (Ðiện Biên Ðông), Sín Thầu (Mường Nhé), Chà Cang (Nậm Pồ), Pa Ham (Mường Chà), Lay Nưa (TX. Mường Lay), Thanh Chăn, Thanh Yên (Ðiện Biên). Tiêu chí cụ thể cho mỗi xã là 70% số hộ gia đình có nhà tiêu cải thiện, 80% có điểm rửa tay, 100% trường học và trạm y tế có công trình nước sạch và nhà tiêu đạt quy chuẩn. Ðể đạt mục tiêu này, cần sự tham gia tích cực, góp sức truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho mỗi người dân tại các xã thuộc chương trình, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số vùng cao của các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể và cá nhân sinh sống trên địa bàn.
Bảo Anh