Thứ Năm, 26/12/2024
Sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh: Nâng cao nhận thức cộng đồng
Học sinh Trường Tiểu học xã Yên Khoái (Lộc Bình) thực hành rửa tay bằng xà phòng với sự hướng dẫn của cán bộ Trạm y tế xã

Trong giai đoạn 2012- 2015, với sự hỗ trợ kinh phí của Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình Mục tiêu xây dựng Nông thôn mới... Trung tâm YTDP tỉnh đã rất nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động, chỉ đạo và phối hợp với trung tâm Y tế huyện, y tế cơ sở để thực hiện tốt hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên và tăng cường truyền thông tại cộng đồng. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu HVS đã tăng từ 23.1% năm 2012  lên 54%  năm 2017, tỷ lệ Trạm Y tế có nước và nhà tiêu HVS là 23% năm 2012 lên 82% năm 2016, tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh là 84%. Từ đó đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân khu vực nông thôn của tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện bộ chỉ số theo dõi – đánh giá nước sạch và VSMT nông thôn, Lạng Sơn có 226 xã, phường, thị trấn, trong đó có 207 xã nông thôn với hơn 145.820 hộ gia đình, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân thấp. Việc xã hội hóa cấp nước sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, các điều kiện đảm bảo VSMT về cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Chu Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết: VSMT nông thôn  đến nay vẫn còn hạn chế. Người dân khu vực nông thôn chưa chú ý đến xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Chất thải gia súc phần lớn chưa được thu gom, gây ô nhiễm môi trường; túi ni lông khó phân hủy được vứt tùy tiện khắp nơi; tỷ lệ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh thấp…

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chương trình nước sạch nông thôn, các chương trình lồng ghép khác, đặc biệt là chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016-2020.

Hằng năm, các sở, ngành liên quan đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thống kê bộ chỉ số nước sạch và VSMT nông thôn; cử cán bộ đến các xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, điều tra, tổng hợp, xử lý số liệu. Sở Tài nguyên – Môi trường đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nước xác định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tại các xã nông thôn mới; theo dõi, hướng dẫn các xã điểm nông thôn mới thực hiện tiêu chí môi trường; Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường khảo sát, phối hợp xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh tại các trường học; tuyên truyền nâng cao ý thức gìn giữ VSMT cho cán bộ, giáo viên và học sinh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các công trình nước sạch tập trung; Sở Y tế tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân nông thôn, hình thành thói quen vệ sinh cá nhân và ý thức gìn giữ VSMT; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở các hộ gia đình và trạm y tế xã.

Năm 2018, Sở Tài nguyên – Môi trường đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường ở 10 xã điểm nông thôn mới năm 2018 và giám sát duy trì thực hiện tại 2 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Trong đó, Chi cục Bảo vệ môi trường đã phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn cho 1.000 cán bộ xã, thôn, người có uy tín thôn bản, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời hỗ trợ hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo hơn 1 tỷ đồng để xây dựng nhà tiêu, di dời cải tạo chuồng trại chăn nuôi gia súc, xây dựng 200 bể/thùng kín thu gom vỏ bao bì chứa hóa chất bảo vệ thực vật…

Ông Đặng Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác VSMT, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các hội đoàn thể tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về VSMT cho người dân. Từ năm 2016 đến nay, người dân các thôn đã đồng thuận, đóng góp công sức cải tạo hệ thống thoát nước, di dời cải tạo chuồng trại; xây dựng hơn 200 nhà tiêu hợp vệ sinh.

Qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ, nhận thức của người dân nông thôn về VSMT từng bước được nâng cao. Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 560 nghìn người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (đạt 89,54%, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2017); 53,2% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (tăng 4,2%); 85% điểm trường chính có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh (tăng 3%); 68% trạm y tế xã có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh (tăng 5%); 38% hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh.

Hoàng Thái

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi