Thứ Sáu, 22/11/2024
Cao Bằng: Triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” năm 2018
Người dân xóm Lũng Luông, xã Hạnh Phúc (Quảng Uyên) được sử dụng nước hợp vệ sinh

Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” thuộc Dự án vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai từ năm 2016 tại 7 xã: Minh Tâm, Minh Thanh, Bắc Hợp, Thể Dục (Nguyên Bình); Bế Triều, Đức Long, Hoàng Tung (Hòa An), gồm các hợp phần: Cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn, với 130 dự án. Các hạng mục được phê duyệt giai đoạn 2016 - 2020 với tổng nguồn vốn đầu tư 229.148 triệu đồng. Trong đó, tiểu hợp phần cấp nước cho cộng đồng dân cư 41 dự án; cấp nước và vệ sinh cho các trường học 43 dự án; cấp nước và vệ sinh các trạm y tế xã 46 dự án.

Hiện nay, toàn tỉnh có 47,48% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS); 20,76%, hộ nghèo có nhà tiêu HVS; 55,27% hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại HVS; 96,48% trạm y tế có nước và nhà tiêu HVS; 68,73% trường học có nước và nhà tiêu HVS. Về cấp nước sinh hoạt nông thôn, toàn tỉnh có 866 công trình cấp nước tập trung, trong đó có 6,47% công trình hoạt động bền vững, 87% người dân nông thôn dùng nước HVS, 81,85% người nghèo được sử dụng nước HVS.

Các đơn vị đã tập huấn, hướng dẫn, truyền thông thay đổi hành vi, khảo sát thực trạng công trình cấp nước, nhà tiêu và điểm rửa tay của hộ gia đình, trạm y tế, trường học tại 7 xã; tham vấn cộng đồng được UBND tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật và công nghệ xử lý nước của 3 công trình: Cải tạo công trình cấp nước sinh hoạt xã Bế Triều, Đức Long, Hoàng Tung (Hòa An); thành lập 2 cửa hàng tiện ích, 2 điểm bán hàng; thành lập đội ngũ cộng tác viên là hội phụ nữ, trưởng xóm, y tế thôn bản thực hiện các hoạt động truyền thông, lập danh sách hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ; giới thiệu chương trình tại 2 xã Bế Triều, Thể Dục, hỗ trợ 371/1.091 hộ gia đình được hỗ trợ xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh; triển khai chương trình “Vệ sinh trường học” tại các trường tiểu học; chuẩn bị đầu tư xây mới, cải tạo công trình vệ sinh trường học tại các xã.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, chương trình sẽ đầu tư cải tạo 12.600 đấu nối, phấn đấu đến năm 2020 có 90% số dân nông thôn được sử dụng nước HVS. Năm 2018, xây mới 3 công trình, cải tạo 18 công trình cấp nước sinh hoạt đã xuống cấp nhằm đạt 6.100 đấu nối tại 27 xã, thuộc 8 huyện trong tỉnh. Phấn đấu 16 xã đạt trên 70% tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững về nước sạch và vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Tập huấn về Sổ tay hướng dẫn thực hiện chương trình và hướng dẫn thực hiện các vấn đề về giới và dân tộc thiểu số; Sổ tay quản lý vận hành và quản lý các công trình cấp nước dựa vào cộng đồng, thông tin giáo dục truyền thông về cấp nước; tập huấn cho giảng viên nòng cốt (TOT), cán bộ cấp huyện, xã, thôn, bản, khu vực tư nhân; tập huấn cho giảng viên nòng cốt của hệ thống giáo dục để cải thiện năng lực của ngành, tăng cường khả năng hiểu và thực hiện hoạt động thay đổi hành vi trong trường học, duy trì tính bền vững của công trình cấp nước, vệ sinh... 

Để thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn ngân hàng thế giới, giai đoạn 2016 2020, tỉnh Cao Bằng sẽ đầu tư hơn 229 tỷ đồng mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn trên phạm toàn tỉnh.

Theo đó, chương trình gồm 2 hợp phần: Hợp phần 1 có mức đầu tư hơn 215,7 tỷ đồng thực hiện 84 dự án cấp nước cho cộng đồng dân cư, cấp nước và vệ sinh cho các trường học; hợp phần 2 trị giá hơn 13,3 tỷ đồng thực hiện 46 dự án cấp nước và vệ sinh cho các trạm y tế xã.

Theo thống kê, hết năm 2017, tỷ lệ người dân nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh 87%; tỷ lệ người nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh 81,85%; tỷ lệ trường học được cấp nước hợp vệ sinh 68,73%.

Việc triển khai Chương trình sẽ góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn, người nghèo, trường học, trạm y tế xã được sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh lên trên 90% vào năm 2020.

Hồng Anh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi