Thứ Bảy, 18/5/2024
Thúc đẩy các hoạt động nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân

Triển khai phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ Y tế, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy xây dựng lối sống vệ sinh, bảo vệ môi trường, bảo đảm nguồn nước sạch huy động sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội. Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường (29/4-6/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng (15/10), Ngày Nhà vệ sinh Thế giới (19/11) được phát động hàng năm đã tạo nên phong trào sôi nổi trong cả nước; qua đó, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước; đồng thời tuyên truyền xây dựng lối sống vệ sinh, đưa hoạt động vệ sinh phòng bệnh đi vào nề nếp và trở thành phong trào sâu rộng.

Công tác truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường thực hiện đa dạng và phong phú cả về nội dung, hình thức và đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân. Bộ Y tế đã xây dựng nhiều tài liệu hướng dẫn triển khai kế hoạch, các mô hình về vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh trong cơ sở y tế và nơi làm việc. Tổ chức treo băng rôn, áp phích, khẩu hiệu tại các nơi công cộng, các tuyến đường chính, tại trụ sở cơ quan nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại hộ gia đình và nơi công cộng. Đăng tin chạy chữ trên Đài Truyền hình các tỉnh; phát trên hệ thống phát thanh, truyền thanh xã tuyên truyền về vệ sinh môi trường, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; In và phát tờ rơi hướng dẫn xây dựng nhà tiêu tự hoại và thấm dội nước giá rẻ; phát tài liệu hướng dẫn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình; in và phát sổ tay hướng dẫn truyền thông vận động người dân thay đổi hành vi vệ sinh và xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cho cán bộ y tế, phụ nữ thôn… Tuyên truyền vận động người dân giữ gìn vệ sinh nguồn nước, dụng cụ chứa nước và thực hiện việc xử lý nước và vệ sinh môi trường trong tình trạng khẩn cấp khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn…

Hầu hết các tỉnh, thành đã tổ chức hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ ngành y tế và các ban, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan để triển khai các hoạt động về nước sạch và vệ sinh môi trường như: Tập huấn công tác giám sát chất lượng nước cho các cơ sở cấp nước sinh hoạt nông thôn; tập huấn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại tuyến xã; tập huấn quản lý; giám sát, thống kê, báo cáo công tác vệ sinh môi trường cho các chuyên trách trung tâm y tế huyện, trạm y tế... Cục Y tế dự phòng cũng tổ chức 06 lớp tập huấn cho cán bộ của các tỉnh về xử lý nước sạch trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn của 06 tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ; tổ chức tập huấn và truyền thông hướng dẫn xử lý vệ sinh môi trường trong và sau bão lũ cho 05 tỉnh: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… Thực hiện lồng ghép với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tập huấn nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích của công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt… 

Cục Quản lý môi trường y tế đã tổ chức kiểm tra, giám sát về công tác đảm bảo vệ sinh chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn tại 16 tỉnh/thành phố như: Sơn La, Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên; Lào Cai,... Tham gia đoàn công tác của Lãnh đạo Bộ về kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo vệ sinh chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn sau bão, lũ tại Hòa Bình, Yên Bái, Khánh Hòa, Phú Yên. Thành lập Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát và tổng hợp kết quả báo cáo Lãnh đạo Bộ về đảm bảo vệ sinh chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại Thái Bình, Đăk Nông, Hà Nội...

Với sự nỗ lực của các Bộ, ban, ngành và địa phương, công tác nước sạch và vệ sinh môi trường đã có được những kết quả khả quan. Theo đó, kết quả lớn nhất là nhận thức của người dân về việc sử dụng nước sạch, lối sống vệ sinh văn minh đã được nâng lên đáng kể. Các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, đường làng ngõ xóm… được thực hiện thường xuyên thành nề nếp tại nhiều địa phương, đơn vị trên cả nước.

Đến tháng 12/2016, cả nước có 86% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Theo báo cáo của Sở Y tế 63/63 tỉnh/thành phố năm 2016 có 86% nhà máy nước công suất ≥ 1.000 m3/ngày đêm và 63% trạm cấp nước tập trung quy mô nhỏ < 1.000 m3/ngày đêm được kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo quy định.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) đến năm 2015 theo vùng sinh thái toàn quốc là 65%. Tính bình quân từ năm 2012, mỗi năm tỷ lệ nhà tiêu HVS ở các tỉnh tăng lên từ 2-3%. Tỷ lệ nhà tiêu HVS năm 2015 tăng so với năm 2012 cao nhất ở Đồng Tháp và Tây Ninh (tăng 25,5%), Đắk Nông (tăng 24,4%), Sóc Trăng (tăng 24%), An Giang (tăng 23,9%), Vĩnh Phúc (tăng 23,1%), Hòa Bình (tăng 21,9%). Ngược lại, tỉnh có tỷ lệ nhà tiêu HVS năm 2015 tăng ít nhất so với năm 2012 là TP Hồ Chí Minh (tăng 0%) và Bình Dương (tăng 0,1%) vì tỷ lệ nhà tiêu HVS ở các tỉnh này đã rất cao và bão hòa. 

Tỷ lệ trường học (trung học phổ thông, tiểu học và mầm non) có nguồn nước và nhà tiêu hợp vệ sinh là 78,6%. Trong đó cao nhất là các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng,  tỷ lệ trường học có nguồn nước và nhà tiêu hợp vệ sinh lần lượt là 99,1% và 92,8%; thấp nhất là các tỉnh Tây Nguyên có tỷ lệ là 61,7%.

Tính chung toàn quốc, tỷ lệ trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, được quản lý và sử dụng tốt tăng từ 84,2% năm 2012 lên 94% năm 2016. Nổi bật trong số các tỉnh, thành này là hai tỉnh Đăk Nông và Lạng Sơn. Mặc dù xuất phát từ thực trạng khá khiêm tốn năm 2012 (lần lượt tỷ lệ trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh là 21,13%; 29,20%) nhưng nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương, năm 2016, tỷ lệ này đã tăng nhanh lần lượt đạt 96,40% và 81,40%, vượt quá tiêu chí đề ra (80%). Chất lượng nhà tiêu của trạm y tế dần được cải thiện tại hầu hết các tỉnh. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thúc đẩy các hoạt động đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường còn gặp những khó khăn nhất định như: Các chỉ tiêu về vệ sinh đã được đưa vào chỉ tiêu của chương trình Mục tiêu quốc gia nông thôn mới, Mục tiêu phát triển bền vững, tuy nhiên sự quan tâm, ưu tiên, vào cuộc của các cấp chính quyền đến vệ sinh, ngân sách dành cho vệ sinh dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.  Nhiều yếu tố mới như biến đổi khí hậu gây thời tiết cực đoan, hạn hán xâm nhập mặn đã ảnh hưởng rất lớn tới công tác vệ sinh và sức khỏe người dân. Công tác vệ sinh đảm bảo chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt còn nhiều hạn chế, nhất là vùng nông thôn, miền núi. Nhận thức của người dân về vệ sinh còn chưa đồng đều giữa các vùng miền...

Khắc phục những khó khăn, tồn tại, trong thời gian tới, công tác nước sạch và vệ sinh môi trường sẽ được tăng cường và triển khai sâu rộng hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, từng gia đình và toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, đạt các chỉ tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường như: 100% các nhà máy nước đô thị, 70% trạm cấp nước nông thôn được kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt theo quy định; 85% dân số được sử dung nước sạch đã được giám sát chất lượng nước; 75% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% trạm y tế xã có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh… góp phần hiệu quả nâng cao sức khỏe nhân dân, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước./.

 Mai Phương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất