Thứ Năm, 14/11/2024
Lâm Đồng: Cải thiện nguồn nước sạch và vệ sinh trong các hộ gia đình nông thôn
Đầu tư nước sạch nông thôn giúp cải thiện đáng kể tình trạng vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em
Tỷ lệ cấp nước theo quy chuẩn còn thấp
 
Hiện nay, trong số gần 1,3 triệu người dân trong tỉnh tập trung vùng nông thôn có khoảng 185 ngàn hộ với hơn 785 ngàn người. Qua khảo sát của chương trình, năm 2015, tỉ lệ dân nông thôn của tỉnh được cấp nước hợp vệ sinh đạt 86%, trong đó tỉ lệ được cấp nước theo quy chuẩn 02 của Bộ Y tế chỉ đạt 16,9%. Toàn tỉnh có 252 công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn đấu nối đến 11.500 hộ. Tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh còn thấp ở các xã như: Đạ Chais 58,5%; Đạ K’Nàng 66,3%; Hà Đông 67,7%; Liên Đầm 69,1%. 
 
Hiện nay, tỉ lệ người dân trong tỉnh sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 71,5% và qua khảo sát thực tế còn 1.835 hộ dân chưa có nhà tiêu. Trong số 458 trường học ở các xã, tỉ lệ có công trình nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 96,3%. Trong số 117 trạm y tế xã có 98,4% có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Có 69% hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. 
 
Khảo sát 14.865 hộ nghèo ở nông thôn năm 2015 có 3.568 hộ nghèo được tiếp cận nước hợp vệ sinh và 3.062 hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh. Các vùng có tỉ lệ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thấp như: Cát Tiên 48,8%; Lạc Dương 52,2%; Đam Rông 60,3%. Các xã có tỉ lệ thấp nhất là: Mỹ Lâm 20,2%; Phước Cát II 27,1%; Đạ Chais 34,5%); Lộc Lâm 38%; Lộc Bảo 54,2%; Phi Liêng 33,1%; Liên Hiệp 43,9%; Phú Sơn 44,2%.
 
Để cải thiện điều kiện vệ sinh, góp phần nâng cao việc chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, từ năm 2012 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã triển khai dự án “Quỹ quay vòng vệ sinh” với hình thức cho các hộ gia đình hội viên khó khăn vay vốn để xây dựng công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn, đến nay, nguồn quỹ này đã lên 2,4 tỷ đồng giải ngân cho 439 thành viên vay với mức 10 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,5% trong kỳ hạn 3 năm. Theo bà Phạm Thị Mỹ Huyền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, với dự án “Quỹ quay vòng vệ sinh” được Hội triển khai trong nhiều năm qua đã giúp cho hàng ngàn hộ gia đình cải thiện điều kiện vệ sinh thông qua việc sử dụng vốn xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Hiện nay, dự án đã triển khai nhân rộng ra 9 xã, thị trấn bao gồm: Đạ Ròn, Đ’Ran, Quảng Lập (Đơn Dương); Tân Hà (Lâm Hà); Bằng Lăng (Đam Rông); xã Madagui, Đạ Mri, thị trấn Madagui (Đạ Huoai); thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương).
 
Xây dựng 16 xã đạt “Vệ sinh toàn xã”
 
Với CTMRQM VSNSNT tại Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020 có tính chất quy mô, bền vững với tổng kinh phí hơn 210 tỷ đồng, trong đó vốn vay WB hơn 192 tỷ đồng và vốn đối ứng khoảng 18 tỷ đồng. 
 
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phấn đấu tỉ lệ dân nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%, trong đó 45% hộ được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế; đấu nối cấp nước sạch cho trên 12.500 hộ gia đình nông thôn; 100% trường học, trạm y tế được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 
 
Xây dựng 16 xã đạt “Vệ sinh toàn xã” và 2.400 nhà tiêu hợp vệ sinh. Đồng thời, xây dựng và sửa chữa nâng cấp 86 công trình cấp nước và vệ sinh công cộng trường học, 10 công trình cấp nước và vệ sinh công cộng trạm y tế. Phấn đấu 100% trường học, trạm y tế ở nông thôn có công trình cấp nước hợp vệ sinh, có đầy đủ trang thiết bị rửa tay. 
 
Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, người dân trong vùng dự án được truyền thông nâng cao nhận thức trong sử dụng nước sạch. Trên 70% hộ dân tại xã đạt “Vệ sinh toàn xã” được tuyên truyền cung cấp kiến thức vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch, cung cấp thông tin về các loại nhà tiêu cũng như cách sử dụng bảo quản nhà tiêu đúng quy cách. Có 100% giáo viên và học sinh các trường mầm non và tiểu học tại xã đạt “Vệ sinh toàn xã” được cung cấp kiến thức về sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh đúng quy cách, rửa tay với xà phòng và nước sạch. Có 90% cán bộ y tế xã, y tế thôn bản tham gia thực hiện chương trình được đào tạo tập huấn về các mô hình thúc đẩy vệ sinh; truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh; kiểm tra giám sát vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, trường học và các trạm y tế.
 
Nhằm nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt cho người dân nông thôn trong vùng, phong trào xây dựng xã đạt tiêu chí “Vệ sinh toàn xã” là xã có 70% hộ gia đình có nhà tiêu cải thiện, 80% hộ gia đình có điểm rửa tay có xà phòng hoặc sản phẩm thay thế xà phòng; tất cả các trường học và trạm y tế có công trình cấp nước vệ sinh và rửa tay hoạt động liên tục. Lộ trình ưu tiên đầu tư xây dựng điểm 16 xã đạt “Vệ sinh toàn xã” như sau: Giai đoạn 2016 - 2017 gồm xã Đạ Ròn, Tu Tra (Đơn Dương), Liên Hiệp, Hiệp Thạnh (Đức Trọng); năm 2018 là Hòa Trung, Hòa Ninh (Di Linh), Tân Văn, Tân Thanh (Lâm Hà), Lộc Phú (Bảo Lâm); năm 2019 là Đạ Rsal, Đạ Tông (Đam Rông), xã Quảng Trị (Đạ Tẻh); năm 2020 gồm xã Đạ Lây (Đạ Tẻh), Gia Viễn, Đức Phổ (Cát Tiên).
 
Đồng thời, chương trình đầu tư 10 trạm y tế có công trình nước sạch và nhà vệ sinh cần xây dựng mới và cải tạo trong 5 năm tới là: Phước Cát I (Cát Tiên), Đạ Lây, Quảng Trị (Đạ Tẻh), Phước Lộc (Đạ Huoai), Đạ Quyn (Đức Trọng), Phi Tô (Lâm Hà), Đạ Tông, Đạ Long (Đam Rông), Đa Nhim (Lạc Dương), Đại Lào (Bảo Lộc). 
 
Theo cam kết của Chính phủ VN tại hội nghị cao cấp của “Đối tác toàn cầu về Vệ sinh và Nước cho mọi người”, đến năm 2025 Việt Nam sẽ chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và tiếp cận vệ sinh cho mọi người vào năm 2030. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 30% số thôn không còn tình trạng phóng uế bừa bãi, 75% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh toàn xã; có 95% dân cư nông thôn có nước sạch hợp vệ sinh, 55% đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế về chất lượng nước, 45% công trình cấp nước tập trung. 
 
CTMRQM VSNSNT dựa trên kết quả giai đoạn 2016 -2020 do WB tài trợ với nguồn vốn 225,5 triệu USD (trong đó vốn vay WB 200 triệu USD) được triển khai tại 21 tỉnh của cả nước, trong đó có vùng Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Chương trình gồm 3 hợp phần: Cấp nước nông thôn (cấp nước cho cộng đồng dân cư, cấp nước và vệ sinh cho các trường học); vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực truyền thông, giám sát và đánh giá chương trình. 
 

Mai Võ

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất