Thứ Tư, 8/1/2025
Kinh nghiệm giữ rừng từ công tác dân vận

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 10km, rừng Tà Nung giáp ranh với địa bàn huyện Lạc Dương và bao quanh các khu vực của thành phố Đà Lạt. Những năm qua Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Nung – Tp Đà Lạt đã tăng cường công tác quản lý, tổ chức trồng rừng, nhờ đó đất trống, đồi trọc giờ được phủ một màu xanh mới. Nhưng để rừng bình yên, đơn vị chủ rừng luôn đề cao công tác dân vận trong bảo vệ rừng. Ông K’ Lịch là hộ nhận khoán rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Nung. Nhờ vào rừng nên kinh tế gia đình ông được cải thiện. Theo ông K’ Lịch, khác với trước đây việc xâm hại, lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra phức tạo, nhưng giờ bà con đã ý thức rất cao trong bảo vệ rừng, đó là nhờ cách tuyên truyền, dân vận tốt của đơn vị chủ rừng.

Thôn giữ rừng Châu Sơn, của huyện Đơn Dương, một điển hình tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng về thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng. Châu Sơn, giờ vẫn được gọi là làng. Vì trong quá khứ, cả làng ấy đã từng tàn phá hàng trăm héc ta rừng; mâu thuẫn triền miên và “ sản sinh” ra những “lâm tặc” khét tiếng. Thế nhưng, bây giờ chính họ đã trở thành người tiên phong trong bảo vệ rừng mẫu mực, và đây cũng là điểm sáng trong bảo vệ rừng.

Nhờ làm tốt tuyên truyền nên người dân vùng rừng dù không phải là hộ nhận khoán cũng có trách nhiệm giữ rừng. Sự chủ động tham gia của người dân luôn là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ rừng, và khi sự chủ động ấy không đến bằng sự bắt buộc hay trách nhiệm mà chính là tình yêu với rừng thì hiệu quả cũng sẽ khác. Những cách làm của người dân Lâm Đồng sẽ cho thấy điều này.

Chủ động trong dân vận để người dân hiểu sự quan trọng của rừng. Điều này cho thấy nhiều vùng rừng trước đây đất trống thường bị người dân lấn chiếm, xâm canh sản xuất, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên hầu hết người dân tự nguyện trả lại đất cho nhà nước để trồng rừng. 

Đến nay tỉnh Lâm Đồng đã giao khoán gần 400.000ha rừng, trong đó diện tích chi trả dịch môi trường rừng là trên 358.000ha cho các hộ, tổ và nhóm hộ nhận khoán bảo vệ. Những lợi ích mà rừng mang lại không chỉ cải thiện đời sống người dân mà còn khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong công tác giao rừng. Và để làm tốt công tác bảo vệ rừng, việc dựa vào dân để giữ rừng đã khẳng định bài học kinh nghiệm từ công tác dân vận cho thấy tính thiết thực, hiệu quả từ các cấp, các ngành ở Lâm Đồng./.

Khương Duy

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất