Hòa Bình là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc, điều kiện kinh tế của đồng bào các dân tộc còn khó khăn. Những năm qua Hòa Bình đã thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng NS&VSMT góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và vệ sinh môi trường nông thôn cho người dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và tham gia tích cực tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Mặc dù tỉ lệ tiếp cận vệ sinh tăng đáng kể trong những năm qua, vệ sinh nông thôn đã và đang còn nhiều thách thức. Trong hơn một thập kỷ, Chương trình mục tiêu Quốc gia về Vệ sinh và nước sạch nông thôn (NTP) từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 3 (2000 đến 2015), chương trình trọng tâm về vệ sinh và nước sạch nông thôn của Chính phủ Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu đề ra (65% số hộ gia đình trên cả nước có nhà tiêu hợp vệ sinh vào năm 2015). Cũng như các địa phương khác trong cả nước, từ năm 2000 Hòa Bình bắt đầu triển khai NTP giai đoạn 1 từ 2000-2005 (NTP1), giai đoạn 2 từ 2006-2010 và giai đoạn 3 từ 2012-2015 (NTP3). Nhờ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp Ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của nhiều Chương trình, Dự án, Hòa Bình đã có những đổi mới rõ rệt về công tác vệ sinh môi trường trong tỉnh. Tính đến tháng 12 năm 2014, tỷ lệ bao phủ nhà tiêu ở tất cả các huyện của tỉnh Hòa Bình hiện nay đang ở mức rất cao, đạt trên 95%. Toàn tỉnh có 54,79% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Gia đình chị Hà Thị Kiều ở xóm Cha, xã Tòng Đậu, Mai Châu trước đây chỉ có nhà tắm tạm bợ, tuềnh toàng, mọi sinh hoạt đều dùng nước giếng. Năm 2017, gia đình chị được vay 12 triệu đồng để xây nhà vệ sinh và công trình cung cấp nước sạch. Cùng với tiền tiết kiệm, gia đình chị đã xây công trình khép kín nhà tắm, nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Chị Kiều phấn khởi cho biết: Nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), gia đình tôi có nước sạch, công trình vệ sinh khép kín nên mọi sinh hoạt tiện lợi hơn nhiều. Đây chỉ là một trong hàng ngàn hộ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi về NS &VSMT nông thôn.
Sau 15 năm triển khai, chương trình cho vay NS &VSMT nông thôn của NHCSXH đã giúp các hộ gia đình ở khu vực nông thôn vay vốn để đầu tư xây dựng hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về NS &VSMT nông thôn nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển KT-XH ở khu vực nông thôn. Theo thống kê, từ nguồn vốn ưu đãi đã hỗ trợ người dân trong tỉnh Hòa Bình xây dựng trên 100 nghìn công trình NS&VSMT.
Theo quy định, hộ gia đình sinh sống tại khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh và hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình NS &VSMT nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo được UBND cấp xã xác nhận. Mức cho vay tối đa 6 triệu đồng/công trình/hộ với lãi suất 0,75%/tháng. Chương trình đã giúp người dân phát huy nội lực trong giải quyết vấn đề NS&VSMT. Người vay quyết định mô hình nước sạch, công trình vệ sinh phù hợp với khả năng tài chính của mình, tự tổ chức thực hiện và quản lý công trình. Do đó, hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Chất lượng cho vay và thu nợ, thu lãi được ngân hàng thực hiện tốt.
Từ đầu năm đến nay, các hộ vay vốn đã đầu tư xây dựng được xây dựng được hơn xây mới 6.836 công trình nước sạch, 6.836 công trình vệ sinh môi trường, như bể chứa nước, bể lọc nước, giếng khoan, nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại. Nhờ đó, môi trường nông thôn được cải thiện ngày càng xanh - sạch - đẹp góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM ở các xóm, xã trong tỉnh.
Đến nay, từ nhiều nguồn vốn lồng ghép, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được hàng trăm công trình nước sạch tập trung; tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%; số hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm trên 70%; số chuồng trại chăn nuôi xử lý chất thải đảm bảo VSMT chiếm trên 60%. Nhờ đó, tỷ lệ người dân nông thôn được thụ hưởng nguồn nước sạch, môi trường nông thôn được cải thiện, thay đổi theo chiều hướng tích cực. Qua đánh giá, hết năm 2017, toàn tỉnh có 79/191 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường.
Hồng Vũ