Thứ Sáu, 22/11/2024
Chàng thanh niên dân tộc Mông thiết thực cải thiện môi trường sống
Anh Thào A Lo luôn quan tâm phát triển đời sống kinh tế cho đoàn viên, thanh niên trong xã.
Mô hình nhà vệ sinh bán tự hoại của anh đã giúp người dân xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, cải thiện môi trường sống, hướng tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thào A Lo sinh ra và lớn lên tại xã Háng Đồng, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Bà con nơi đây đều là người dân tộc Mông với 100% hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Điều này làm đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của nguời dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Là Bí thư Đoàn xã Háng Đồng, Thào A Lo luôn trăn trở với việc làm thế nào để nâng cao sức khỏe cũng như chất lượng sống cho bà con. Năm 2017, anh mạnh dạn đề xuất và triển khai xây dựng mô hình nhà vệ sinh bán tự hoại trên địa bàn xã. 

Chị Thào Thị Sáng tại bản Háng Đồng C, xã Háng Đồng, cho biết: Theo phong tục tập quán của dân tộc Mông, gia đình chị không xây nhà vệ sinh. Trước đây, bản thân chị và con nhỏ không được vệ sinh đúng nơi đúng chỗ nên thường xuyên mắc bệnh đường tiêu hóa. Từ ngày gia đình được anh Lo và đoàn viên, thanh niên trong xã giúp đỡ xây dựng nhà vệ sinh bán tự hoại, sức khỏe của các thành viên trong gia đình ổn định, môi trường sống trong sạch. Thời gian tới, khi gia đình có điều kiện, chị sẽ hỗ trợ bố mẹ, gia đình chồng xây nhà vệ sinh bán tự hoại để tiện sinh hoạt. 

Môi trường là chỉ tiêu cứng trong phát triển nông thôn mới. Đây cũng là chỉ tiêu khó thực hiện nhất tại các xã vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như xã Háng Đồng. Do tập quán sinh sống, người dân tộc thiểu số chưa ý thức được tầm quan trọng của nhà tiêu hơp vệ sinh. Anh Thào A Lo chia sẻ, anh phải đến từng gia đình vận động, xin phép cho đoàn viên, thanh niên thực hiện mô hình nhà vệ sinh bán tự hoại. Đồng thời, trong các cuộc họp với bản, anh tập trung lồng ghép nội dung của mô hình để bà con hiểu về vai trò, lợi ích của nhà vệ sinh bán tự hoại trong việc bảo vệ môi trường. 

Theo ông Vương Hồng Hải, Bí thư Đảng ủy xã Háng Đồng, nhờ sự vận động nhiệt tình và tâm huyết của anh Thào A Lo, hiện 100% bản tại xã đã có mô hình điểm về nhà vệ sinh bán tự hoại do thanh niên xây dựng. Anh Lo còn kêu gọi đoàn viên, thanh niên xã giúp đỡ bà con đào hố rác, thu gom rác thải đúng nơi qui định. Bằng nhiều mô hình hoạt động thiết thực, anh Lo đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề giữ gìn, bảo vệ môi trường sống; hướng tới đạt chuẩn tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. 

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo, nhiều năm qua, anh Thào A Lo cùng đoàn viên, thanh niên xã Háng Đồng đã thực hiện nhiều công trình thanh niên bảo vệ môi trường khác. Tiêu biểu là công trình đồi thông thanh niên với hơn 3.000 cây thông tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, qua đó đẩy mạnh phong trào trồng và bảo vệ rừng, thu hút khách du lịch tham quan tại địa phương. 

Bà Hoàng Thị Huệ, Bí thư Huyện Đoàn Bắc Yên cho biết: Thào A Lo là gương cán bộ đoàn tiêu biểu, năng động và sáng tạo trong công tác, phong trào thanh niên. Đặc biệt, mô hình nhà vệ sinh bán tự hoại được anh phát động đang được học tập, nhân rộng trên địa bản huyện Bắc Yên. Đây cũng là mục tiêu hoạt động trọng tâm của thanh niên được Huyện Đoàn đề ra trong công tác năm 2018 và nhiệm kì 2017 - 2022. 

Ở cương vị là Bí thư Chi đoàn xã, anh Thào A Lo còn chú trọng chăm lo đời sống kinh tế cho đoàn viên, thanh niên nói chung và phát triển kinh tế tại địa phương nói riêng. Đoàn xã đang quản lí 3 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ gần 1,5 tỉ đồng, giúp 75 đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Bản thân anh Lo triển khai mô hình điểm du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, tạo việc làm cho 5 đoàn viên, thanh niên. Năm 2017, anh Lo được nhận Bằng khen của Tỉnh Đoàn Sơn La vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn.

Bích Hồng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi