Ông Hùng được bà con xóm làng yêu mến, nể phục vì tự nguyện đóng góp nhiều tiền bạc, công sức xây dựng quê hương xanh - sạch - đẹp.
Về làng Hạnh Đàn, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội, hỏi thăm nhà cựu chiến binh Nguyễn Tứ Hùng, dân làng ai cũng biết. Người cựu chiến binh đó vinh dự được công nhận là 1 trong 10 công dân ưu tú Thủ đô Hà Nội năm 2018.
Mồ côi từ nhỏ, cậu bé Hùng lớn lên trong sự nuôi dưỡng, dạy bảo của người thân họ hàng, bà con làng xóm. Thời trai trẻ, ông Hùng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới phía Bắc. Sau khi rời quân ngũ, ông tham gia công tác xã hội tại địa phương. Ông là đại biểu Hội đồng nhân dân xã Tân Lập nhiệm kỳ 1994 - 1999. Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, ông Hùng cùng gia đình phát triển kinh tế nông thôn. Cá nhân ông và gia đình đã có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, đóng góp cho quê hương. Ông Nguyễn Tứ Hùng tâm sự: “Gia đình tôi nghèo khó từ xưa. Đảng, Nhà nước, nhân dân địa phương đã nuôi tôi từ thuở bé đến khi tôi trưởng thành, trở thành người công dân có ích cho xã hội. Cho nên xuất phát từ tấm lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ, tôi động viên con cháu, người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, đóng góp xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy tất cả mọi người chung tay thì đất nước sẽ ngày càng to đẹp hơn".
Gặp ông, một người đã 74 tuổi, gương mặt chất phác, ăn mặc giản dị ít ai ngờ rằng ông chính là “mạnh thường quân” của phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Năm 2004 và năm 2009, hưởng ứng sự vận động của Ban quản lý Di tích làng Hạnh Đàn, cá nhân ông Hùng và gia đình đóng góp 290 triệu đồng xây dựng đình, chùa của làng. Tính từ năm 2004 đến nay, ông và gia đình đã ủng hộ xây dựng 4 công trình với số tiền hơn 2 tỷ 400 triệu đồng. Ông Nguyễn Tứ Hùng cho biết: “Vì ao cũ là nơi chứa rác thải của dân làng, ô nhiễm môi trường, tôi đề xuất lãnh đạo xã Tân Lập cải tạo, xây dựng thành ao môi trường. Ao có diện tích gần 5.000 m2. Công trình khánh thành ngày 22/5/2017, đúng ngày kỷ niệm 55 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Tân Lập. Sau khi ao hoàn thành tôi thấy phải làm đường vào cho đẹp. Tôi xin phép xã làm đường giao thông nông thôn dài hơn 100 m. Tiền xây ao mất 1,8 tỷ và tiền làm đường hơn 300 triệu, tất cả là 2 tỷ 136 triệu. Sau khi công trình làm xong, tôi trông nom, quét dọn ao, mắc điện chiếu sáng, tiền điện cũng là gia đình nhà tôi chi trả".
Việc làm từ thiện của ông Hùng đã lan tỏa ra phong trào xã hội hóa xây dựng thôn xóm xanh - sạch - đẹp. Hưởng ứng nghĩa cử cao đẹp của ông, các hộ dân sống chung quanh ao làng cũng nhiệt tình tham gia đóng góp, từ việc trồng cây xanh, vệ sinh môi trường, đến việc mua các bộ bàn ghế đá đặt quanh ao để mọi người có chỗ nghỉ ngơi, thư giãn. Công trình “Ao môi trường” ở làng Hạnh Đàn là một trong những mô hình “Ao môi trường” tiêu biểu của huyện Đan Phượng. Khi biết xã Tân Lập có kế hoạch tu bổ khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã, ông Nguyễn Tứ Hùng tích cực hưởng ứng và cho biết: “Xã đang có kế hoạch làm đường vào khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, sẽ xây dựng khang trang khu di tích. Nếu địa phương xây dựng công trình di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm thì khả năng tài chính có bao nhiêu tôi lại đóng góp xây dựng. Tôi muốn làm nhiều việc, tất cả xuất phát từ tình cảm yêu quê hương. Tôi thấy việc làm của tôi là việc làm bình thường của một công dân đối với Tổ quốc".
Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Tứ Hùng nhiều năm liền được Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Năm 2017, ông được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nhắc đến ông, bà con làng xóm ai cũng tự hào về người cựu chiến binh gương mẫu, hết mình vì công việc từ thiện xã hội.
Phan Thanh