Thứ Sáu, 22/11/2024
Hưng Yên: Chính quyền và doanh nghiệp bàn cách nâng chất lượng nước sạch
Các bể diệt khuẩn nước trước khi đưa vào bể chứa tại Nhà máy nước sạch Ngọc Tuấn - Nagaoka

Nhằm tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân về nước sạch nông thôn, UBND huyện Kim Động (Hưng Yên) đã tổ chức Hội nghị "Sử dụng nước sạch - tiêu chí quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới và mục tiêu quốc gia nước sạch 2020".

Theo ông Phan Tiến Sơn - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn còn tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, nước sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh, tại nhiều cơ sở cấp nước chưa đạt quy chuẩn.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 38 cơ sở cung cấp nước sinh hoạt có công suất trên 1.000 m3/ngày đêm, tỷ lệ mẫu nước đạt quy chuẩn là hơn 53%; tại 15 cơ sở cấp nước công suất dưới 1.000 m3 nước ngày đêm, tỷ lệ mẫu đạt quy chuẩn là hơn 21%, các mẫu còn lại không đạt quy chuẩn về lý hóa.

Trong khi đó, ông Lê Trung Cần - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hưng Yên cho biết, đến nay chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch đã có 13 doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình cấp nước, được phân vùng cấp nước sạch cho 88 xã vùng nông thôn, 44 xã đang xây dựng đường ống cấp nước.

Cũng theo ông Cần, một số công trình đang mang lại hiệu quả thiết thực như nhà máy nước Ngọc Tuấn (Kim Động), dự án nước Phần Lan tài trợ xây dựng nhà máy nước tại thành phố Hưng Yên, Phố Nối và và các xã Phùng Hưng (Khoái Châu), Toàn Thắng (Kim Động)… tuy nhiên, tỷ lệ người dân được sử dụng nước đạt đúng tiêu chuẩn chưa nhiều.

Là doanh nghiệp đi đầu và đã bỏ ra số vốn “khổng lồ” – 118 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch tại Hưng Yên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn – Nagaoka cho hay: “Chúng tôi lấy nước trực tiếp từ sông Hồng, sử dụng công nghệ xử lý lọc nước đa cấp của Israel bằng chất liệu lọc mới sinh học tự tái tạo vật liệu lọc, kết hợp với đá Thạch Anh. Ưu điểm của công nghệ này là không có nước thải ra môi trường, chất thải duy nhất là phù sa, cát lắng được phơi khô và đóng bao, cung cấp cho nông dân trồng cây”.

Hiện đại là thế nhưng đến nay, Nhà máy nước sạch Ngọc Tuấn có công suất 15.000 m3/ngày đêm mới chỉ cấp nước sạch cho 8 xã, 1 thị trấn của 2 huyện Kim Động và Ân Thi, tương đương với công suất chỉ 2.000m3/ngày đêm – con số quá khiêm tốn.

Lý giải điều này, ông Sơn cho hay: Ngoài Nhà máy nước sạch Ngọc Tuấn, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có dự án nước sạch đạt tiêu chuẩn nhưng người dân lại thờ ơ chưa đón nhận bởi nhiều lý do, thậm chí người dân vẫn chấp nhận dùng nước truyền thống (nước mưa, giếng khoan, ao hồ), trong khi những nguồn nước này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi sự phát triển của công nghiệp địa phương.

Nhằm giải quyết triệt để vấn đề này, đồng thời nâng cao hiệu quả chương trình nước sạch nông thôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết, tỉnh đã giao cụ thể cho các doanh nghiệp sử dụng nước nguồn Bắc Hưng Hải và nước ngầm phải sử dụng nguồn nước cấp từ sông Hồng, sông Luộc.

Các địa phương cần tuyên truyền vận động để người dân thấy rõ lợi ích về sử dụng nước sạch hợp lý, tiết kiệm chi phí so với dùng nước truyền thống; phổ biến để bà con hiểu rõ những quy định của tỉnh về việc đấu nối lắp đặt đồng hồ đo nước, có trách nhiệm trong việc đóng góp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

Hồng Anh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi