Xã Hòa Lợi (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) là xã thuần nông, diện tích đất trồng lúa trên 3.600ha. Chính vì vậy, ảnh hưởng lưu lượng thuốc Bảo vệ thực vật đối với môi trường rất lớn. Thêm vào đó, ý thức xử lý rác thải trong sinh hoạt của một bộ phận hộ dân còn hạn chế. Trước thực tế đó, Đảng ủy xã Hòa Lợi chỉ đạo đảng viên vận động gia đình, người thân và nhân dân cùng tham gia thực hiện công tác Bảo vệ môi trường, góp phần hoàn thiện tiêu chí số 17 về Bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Năm 2017 Đảng ủy xã Hòa Lợi ban hành kế hoạch chỉ đạo đảng viên vận động gia đình, người thân và nhân dân cùng tham gia thực hiện công tác Bảo vệ môi trường; trong đó, quán triệt cụ thể bằng hành động thiết thực, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ cam kết thực hiện tốt công tác Bảo vệ môi trường tại cơ quan, nhà riêng mà còn tham gia công tác tuyên truyền, vận động ít nhất 5 hộ gia đình cùng thực hiện. Đồng chí Triệu Thanh Trí – Huyện ủy viên, Bí thư đảng ủy xã Hòa Lợi cho biết: “Hiện nay, do tập quán và thói quen của người dân chưa ý thức tốt việc thu gom phế phẩm thuốc Bảo vệ thực vật và vứt rác sinh hoạt xung quanh hoặc trực tiếp xuống dòng nước gây ô nhiễm trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và bộ mặt văn hóa nông thôn. Từ đó, Ban Thường vụ Đảng ủy xã xây dựng kế hoạch chỉ đạo đảng viên vận động nhân dân thực hiện Bảo vệ môi trường như: không vứt xác súc vật, phế phẩm thuốc Bảo vệ thực vật, rác thải xuống các tuyến kênh, rạch, gắn với phân công đảng viên phải gương mẫu đào hố rác gia đình, đồng thời, phối hợp tổ nhân dân tự quản ấp phụ trách vận động ít nhất từ 5 hộ trở lên phải có hố rác xử lý. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động nhân dân chỉnh trang cảnh quan môi trường như hàng rào, cột cờ, xây dựng đoạn đường sáng, xanh, sạch, đẹp.
Ban Thường vụ Đảng ủy xã thông báo phân công Mặt trận, đoàn thể và hội quần chúng vận động nhân dân các cấp đào hố xử lý rác. Mặt trận, đoàn thể và hội quần chúng được phân công thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm liên hệ các cấp tổ chức vận động nhân dân trên địa bàn ấp thực hiện đào hố rác phải đạt 100%. Các ấp có kế hoạch sắp xếp lịch thời gian tổ chức thực hiện cụ thể. Việc thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Đồng chí Nguyễn Thanh Sang, Bí thư xã đoàn Hòa Lợi chia sẻ : “Được phân công, bản thân tôi gương mẫu tự đào hố rác gia đình và tích cực xây dựng hoặc tự đào hố rác để xử lý rác thải trong sinh hoạt. Tuy có những khó khăn ban đầu, do thói quen vứt rác xuống kênh, rạch của người dân, nhưng sau khi vận động người dân rất đồng tình hưởng ứng”.
Đến nay, sau 1 năm phát động phong trào hố rác gia đình, xã Hòa Lợi có 1.500/2.700 hố rác do hộ dân tự xây hoặc đào, còn lại, hộ dân tận dụng mương khô sau nhà để chứa rác và chôn lấp. Dù chưa có sự đồng bộ về hố rác gia đình theo quy chuẩn, nhưng cơ bản người dân đã nhận thức được ảnh hưởng của rác thải đối với môi trường nên không trực tiếp vứt rác thải xuống kênh, rạch như trước. Bà Lê Thị Điệp, ngụ ấp Hòa Lộc nói: “Ý thức bảo vệ môi trường nên trước nay gia đình tôi không vứt xác gia súc xuống sông. Được các đồng chí ở xã, ấp đến vận động đào hố rác để bảo vệ môi trường, không gây nguy hại sức khỏe và tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp nông thôn, gia đình tôi đào hố rác sau nhà, qua đó góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thiện tiêu chí về bảo vệ môi trường”. Bằng hình thức tận dụng triệt để, hố rác gia đình không tốn chi phí, người dân vừa xử lý rác thải trong sinh hoạt gia đình, vừa chung tay cùng chính quyền địa phương hoàn thiện tiêu chí số 17 về môi trường, giúp xã Hòa Lợi giữ vững xã đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.
Huỳnh Anh