Thứ Sáu, 22/11/2024
Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân: Nước sạch và vệ sinh môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm chính giữa vùng đông bắc và tây bắc nước ta. Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên khoảng 6.384 km2, dân số khu vực vùng nông thôn là 519.602 người. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.015 công trình cấp nước tập trung tự chảy và hơn 33.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có gần 90% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt gần 70%; tỷ lệ trạm y tế xã có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt hơn 95%; tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt hơn 70%. Có thể nói, qua việc thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường trong những năm qua đã góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe nhân dân và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó cũng góp phần thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn ở tỉnh miền núi này.

Trong những năm qua, từ việc thực hiện Chương trình 135, lồng ghép với các chương trình, dự án khác và nguồn đóng góp của nhân dân, huyện Bắc Hà đã có hàng trăm tỷ đồng xây dựng hơn 100 công trình nước sạch sinh hoạt vừa và nhỏ. Nhiều thôn bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có nước sạch sử dụng, đưa tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt toàn huyện lên hơn 88%. Nhờ đó, chất lượng sống của người dân vùng nông thôn tại Bắc Hà đang ngày càng nâng cao. Đến xã Tà Chải hôm nay mới thấy được bộ mặt nông thôn của xã miền núi này từ việc xây dựng nông thôn mới. Qua việc xây dựng nông thôn mới xã đã thực hiện tốt tiêu chí về môi trường. Theo thống kê, đến nay toàn xã có 100% dân số có nước hợp vệ sinh sử dụng; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt hơn 92%; số chuồng trại hợp vệ sinh đạt 97%; chất thải rắn và nước thải của các hộ gia đình được thu gom xử lý theo quy định. Bác Đào Trọng Đề, xã Tà Chải chia sẻ “từ khi có nước nước hợp vệ sinh sử dụng, chất lượng cuộc sống của người dân chúng tôi đã thay đổi rất nhiều. Việc sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh đã được khắc phục. Nhân dân chúng tôi mừng lắm”!

Tuy nhiên, việc đưa nước hợp vệ sinh và bảo đảm vệ sinh môi trường vùng nông thôn ở Lào Cai cũng đang gặp những khó khăn do chưa có cơ chế chính sách phù hợp trong việc thu hút, kêu gọi đầu tư các nguồn lực trong xã hội cho chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường; tỷ lệ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp; nhận thức của người dân vùng nông thôn về công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn hạn chế.

Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn có tỷ lệ dân số vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%. Đây là mục tiêu tương đối cao, vì vậy cần có những cố gắng, nỗ lực từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương và của toàn cộng đồng. Để giải quyết những khó khăn trong công tác cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trong thời gian tới, Do đó cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng hướng dẫn; thực hiện tốt chính sách về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, nâng cao vai trò của ban tuyên vận xã, tổ tuyên vận thôn, bản trong công tác này; các địa phương tổ chức tốt công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn nước và công trình cấp nước.

Cùng với đó, nhằm khắc phục những hạn chế, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã có chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí UBND tỉnh đã cấp cho các huyện, thành phố hằng năm để duy tu, sửa chữa các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, ưu tiên sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; khẩn trương củng cố lại các tổ chức quản lý, khai thác công trình cấp nước, đảm bảo tất cả các công trình đều được giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành; thường xuyên nắm bắt tình hình, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại các địa phương…

Thanh Bình


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi